Lần đầu tiên xuất hiện trên bản tin Careerly là phỏng vấn đặc biệt về trải nghiệm “người thật việc thật” với một Product Manager thuộc chuỗi bài phỏng vấn Careerly Talk – Chuyện nghề cùng Careerly. Đọc ngay bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về hành trình trở thành Product Manager từ một sinh viên khoa Software Engineering của Bùi Châu Minh Tùng – Product Manager tại startup REVER.

Careerly (C): Chào Tùng, cảm ơn anh đã đồng ý tham gia xuất hiện trong bài phỏng vấn hôm nay cùng Careerly. Anh có thể giới thiệu một chút về bản thân với độc giả Careerly được không?
Tùng (T): Chào các bạn, mình là Tùng, mình là cựu sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, hiện mình đang đảm nhận vị trí Product Manager tại Rever – một công ty startup trong lĩnh vực proptech. Trước đây, khi chưa tốt nghiệp, mình bắt đầu sự nghiệp làm sản phẩm ở MoMo.
“Một trải nghiệm mà người ta hay nói là “nghề chọn mình”.”

C: Tùng có background về Software Engineering và đang làm ở vị trí Product Manager (PM), đây cũng là định hướng nghề nghiệp của nhiều độc giả Careerly nên hi vọng anh có thể chia sẻ chi tiết hơn về hành trình trở thành PM của mình. Lý do nào anh đã chọn định hướng này thay vì một hướng đi thuần kỹ thuật, technical hơn?
T: Mình nghĩ rằng hành trình đến với công việc Product Manager của mình rất thú vị và khác biệt so với nhiều bạn khác. Khi đang học năm 3 đại học thì mình có cơ hội làm việc tại một công ty công nghệ rất có tiếng tại Việt Nam, ở vị trí… thực tập sinh tuyển dụng bán thời gian. Nghe có vẻ rất vô lý nhưng đó là sự thật.
Có một hôm, mình được cấp trên giao cho tuyển dụng vị trí có tên là Product Executive. Lần đầu tiên nghe qua một cái vị trí lạ hoắc, việc đầu tiên mình làm là google thử xem nó là cái gì… Mình tìm hiểu sâu hơn về mô tả công việc cũng như các kỹ năng cần có ở một ứng viên tiềm năng, càng tìm hiểu thì mình lại suy nghĩ “Sao nó hợp với mình vậy nhỉ?” . Cơ duyên bắt đầu từ đó…
Tất nhiên, do còn là sinh viên nên mình không thể… tự apply vào vị trí đó (vì yêu cầu nhân viên chính thức, làm fulltime) và cuối cùng, mình không tuyển được nhân sự cho vị trí đó. Đó rõ ràng là một thất bại. Nhưng thất bại này lại mang tới một điều mới mẻ thực sự đối với mình, một trải nghiệm mà người ta hay nói là “nghề chọn mình”.
Sau đó, mình cũng nghỉ việc để tập trung cho việc học khá nặng ở năm cuối. Nhưng vừa học, vừa tìm hiểu, dần dần mới biết được các khái niệm Product Owner, Product Manager, UX/UI, … Nhưng công việc này kiếm đâu ra một vị trí intern? Mình bắt đầu tìm hiểu các hội nhóm liên quan đến làm sản phẩm trên facebook, từ đó bắt đầu biết thêm về product mindset, cách đánh giá UX/UI.
Sau một thời gian thì cơ hội cũng đến: MoMo tuyển dụng và không cần kinh nghiệm. Cơ hội đến rồi! Apply ngay và luôn. May mắn, mình được tuyển dụng và không chần chừ chấp nhận đánh đổi thời gian học trên trường bằng một cơ hội làm việc chính thức.
Nói về lý do mình chọn công việc này, đầu tiên, mình đã xác định không theo hướng coding vì không phù hợp với tính cách của bản thân cũng như tuổi nghề không cao và khi đến một thời điểm nào đó, developer cũng phải chuyển sang các vị trí quản lý, lúc đó gần như không còn code gì cả, hoặc thậm chí là chuyển ngành khác.
“Khó khăn ngoài sức tưởng tượng của mình”
C: Anh có gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển sang lĩnh vực Product Management không? Khó khăn lớn nhất của anh là gì?
T: Tất nhiên là có và khó khăn ngoài sức tưởng tượng của mình. Lúc đầu, mình nghĩ chỉ cần giao tiếp tốt với các bạn developer là có thể làm tốt công việc và mình còn tự tin rằng, background mình cũng học công nghệ thông tin, nên có thể dễ dàng xử lý chuyện này. Nhưng chuyện không đơn giản vậy.
Developer cũng rất quan tâm đến trải nghiệm người dùng nên khi thấy 1 flow nào đó có vẻ không tốt là họ sẽ hỏi mình đến cùng, lúc đó bối rối thực sự vì không biết phải trả lời sao. Ngoài ra, việc phải làm việc với rất nhiều cá tính khác nhau ở các phòng ban cũng là một thử thách không nhỏ khi mình phải điều phối được tất cả mọi người cùng nhìn về một hướng.
Bên cạnh đó, việc phải học hỏi liên tục cũng là một thử thách đến giờ mình vẫn đang cố gắng. Thực ra, ở góc độ tích cực, việc này cũng thúc đẩy bản thân mình phát triển.
“Luôn trong tâm thế phải học hỏi hằng ngày”
C: Anh có lời khuyên gì cho những bạn đọc với background tương tự và muốn dấn thân vào con đường trở thành một PM không? Những gì anh mong bản thân mình của ngày xưa biết trước khi trở thành một PM chẳng hạn.
T: Lời khuyên vì mình không dám vì đến giờ mình vẫn đang học hỏi từ mọi người, từ các anh chị đi trước. Nhưng nếu các bạn còn đang là sinh viên và mong muốn bắt đầu với vị trí công việc này thì mình có một số lưu ý sau:
- Hãy đăng ký và học tốt những môn học liên quan đến thiết kế giao diện, yêu cầu phần mềm & thiết kế hệ thống ở trường. Khi mình xác định mình sẽ không đi theo hướng coding thì mình đã đăng ký học tất cả những môn này và cố gắng học thật tốt và đến giờ mình thấy rất xứng đáng với công sức bỏ ra
- Hãy tập review UX/UI những ứng dụng mà bạn thích. Ví dụ bạn thích dùng Instagram, bạn hãy thử phân tích xem sản phẩm tốt điểm nào, chưa tốt điểm nào, đi vào chi tiết nhất có thể, … nó rất có thể sẽ trở thành những case study cho bạn trong công việc sắp tới.
- Luôn trong tâm thế phải học hỏi hằng ngày. Vì đơn giản, bạn không học hỏi thì bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Những thứ bạn biết hiện tại chưa chắc đã đúng, định kỳ, bạn hãy review lại những thứ bạn đã làm, để xem mình đã làm tốt và chưa tốt điểm nào?
“Nói chung thì việc rất nhiều nhưng lại rất vui!”

C: Careerly cũng như độc giả đều tò mò về công việc hằng ngày của một PM tại startup. Anh có thể mô tả một ngày điển hình của mình ở vai trò PM tại Rever không?
T: Do đặc thù là startup nên ngoài công việc của một Product Manager ra, thỉnh thoảng mình còn phải làm một số việc khác như product operation, data analysis, training, support, … những việc đáng ra nếu ở một công ty lớn mình sẽ không cần phải làm. Nhưng hiện tại, mình vẫn thấy ổn với công việc của mình và tất nhiên cũng thấy vui vì học hỏi được rất nhiều thứ
Bắt đầu một ngày làm việc của mình là việc xem hết tất cả các dashboard xem số liệu hôm qua có gì bất thường so với những hôm trước không. Sau đó, mình sẽ lên checklist cho công việc của ngày hôm đó. Thông thường, mình sẽ lên ít nhất 3 việc để có thể làm xong trong ngày đó. Ngoài ra, trong lúc bạn làm một việc nào đó nhưng bị bí ý tưởng thì cũng có việc khác dự phòng, nhằm giúp cho công việc không bị gián đoạn. Ngoài ra, 1 tuần mình có tầm 4 – 5 buổi họp, nếu là phần liên quan đến mình thì phải chuẩn bị tài liệu trước để buổi họp được diễn ra hiệu quả. Thỉnh thoảng thì mình check lại timeline của các project đang làm xem có bị trễ hay không.
Đặc biệt, có một việc mình rất thích, đó là thời gian ngồi nói chuyện với các stakeholders. Mình thường dành mỗi ngày ít nhất 20 phút để trao đổi về cách họ đang sử dụng sản phẩm, từ đó có thể sẽ tìm ra được insight thú vị để cải thiện sản phẩm của mình tốt hơn! Nói chung thì việc rất nhiều nhưng lại rất vui!
C: Cảm ơn Tùng đã dành thời gian cho Careerly để gửi đến những chia sẻ vô cùng giá trị này với bạn đọc. Chúc Tùng thật thành công với công việc và những dự định tương lai.
Bạn hỏi PM trả lời:
Bên dưới là câu trả lời từ anh cho một số câu hỏi nhận được từ độc giả Careerly gửi tới.
Câu hỏi (Q) : Để trở thành PM thì có cần phải tự tay thiết kế ra các sản phẩm đẹp như designer hay chỉ cần khả năng đánh giá UI/UX là đủ?
Trả lời (A): Cảm ơn câu hỏi của bạn. Là một PM, bạn là người kết hợp các bạn designer, developer, … trong team để tạo ra một sản phẩm tốt. Vì vậy, bạn không cần phải tự thiết kế như bạn designer nhưng bạn cần có một nền tảng tốt về UX/UI để cùng với designer đưa ra phương án tối ưu cho người dùng.
Q: (1) Làm PM thì có phải code giỏi không ạ, và có đụng chạm nhiều đến việc code không hay chỉ cần tập trung vào giao diện sản phẩm. (2) Nếu là người code không quá giỏi cũng không quá nhanh thì có nên định hướng theo PM không? Xin cảm ơn.
A: Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Ý (1): Thông thường, PM không phải code quá nhiều, nhưng nếu bạn có kiến thức về coding, về cấu trúc dữ liệu, … thì là một lợi thế lớn để làm tốt công việc này.
Ý (2): Theo mình, việc code giỏi hay không, không liên quan đến việc có nên định hướng làm PM hay không nên hy vọng bạn không nên suy nghĩ là “code không giỏi thì làm PM”, thực tế có rất nhiều bạn code rất giỏi, học rất siêu nhưng ra trường là làm PM luôn. Làm gì cũng cần phải cố gắng và học hỏi từng ngày, nếu không, thì dù làm gì cũng sẽ không thành công. Vì vậy, để quyết định nên đi theo hướng nào, bạn có thể tự đánh giá bản thân mình phù hợp với hướng đi nào, có thể dựa vào tính cách, dựa vào mong muốn trong tương lai bạn sẽ trở thành người như thế nào, … Từ đó, bạn sẽ có lựa chọn tốt hơn.
Q: (1) Vị trí BA có thể trở thành Project Manager được không? (2) Và sẽ có những kỹ năng cả về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng mềm nào cần được cải thiện để đáp ứng được tiêu chỉ của 1 PM.
A: Cảm ơn câu hỏi của bạn.
(1) Vị trí BA có thể trở thành PM trong tương lai vì tính chất công việc cũng khá giống nhau.
(2) Những công việc đến BA, PM đòi hỏi bạn phải luôn học tập không ngừng, vì vậy, hãy cố gắng trao dồi kiến thức và kỹ năng của mình trong quá trình học tập và làm việc. Còn nói về nên cải thiện kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng nào thì thực sự rất nhiều, trong quá trình làm việc chắc chắn bạn sẽ tự nhận biết và cải thiện. Riêng cá nhân mình thì đầu tiên, bạn nên cải thiện các kỹ năng như giao tiếp, teamwork, tư duy phản biện, … đây là những thứ bạn có thể nghe hằng ngày trong quá trình học tập của mình.
Q: Sinh viên nên học gì để chuẩn bị cho công việc PM, bởi vì hiện tại em PM phải đi lên từ các vị trí có kinh nghiệm khác như BA, Designer, PO… nên chưa có kế hoạch để học ngay PM.
A: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Như có nêu trong bài phỏng vấn trước, nếu còn đi học thì bạn nên học tốt các môn học liên quan đến thiết kế giao diện, yêu cầu phần mềm & thiết kế hệ thống ở trường. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm hiểu thêm về công việc trên blog, Medium, các group về phát triển sản phẩm, đọc mô tả công việc, hoặc là từ bản tin Product này của Careerly … để có cái nhìn rõ ràng hơn về công việc. Nhiều kiến thức tuy được gắn mác là dành cho PM nhưng dù ở những vị trí khác bạn vẫn có thể ứng dụng được. Hơn nữa, việc rèn luyện một mindset phù hợp với môi trường làm Product từ sớm cũng sẽ giúp quá trình đi từ các vị trí khác đến PM dễ dàng hơn.
Bạn có thể đọc thêm nhiều bài viết khác cũng như giao lưu trực tiếp với Tùng tại trang cá nhân của Tùng trên Ứng dụng Careerly Vietnam. Click vào trang cá nhân Careerly của Tùng tại đây
Chưa cài đặt ứng dụng Careerly Vietnam? Cài đặt ngay tại:
• CH Play: https://bit.ly/chplay_careerlyvn
• App Store: https://apple.co/3L5LstP
🔍 “Careerly Vietnam”
Trong bài viết, Tùng có gợi ý về việc review định kỳ về những thứ bạn đã làm. Bạn có thể bắt đầu thực hiện việc này cùng cả team bằng cách tổ chức họp Retrospective.
Tổ chức họp Retrospective cho team Agile
Phương pháp tổ chức họp Retrospective theo kiểu Sailboat cho team áp dụng Agile với ví dụ cụ thể.
Nếu có background về kỹ thuật như Tùng và muốn dấn thân vào Product Management, bạn có thể làm quen dần với UX/UI, Product Design qua những bài viết sau từ Careerly:
UX Writing là gì và làm thế nào để viết UX Writing tốt?
Giới thiệu cơ bản về UX Writing. Đây là nhân tố quan trọng giúp tối ưu trải nghiệm của người dùng mà các PM phải biết.
Competitor Analysis trong Product Design
Giới thiệu cơ bản về quy trình đánh giá đối thủ trên thị trường – Competitor Analysis, trong Product Design.
3 comments