1. Mục đích tổ chức họp Retrospective
Mục tiêu của Retrospective Meeting (họp cải tiến) là để đánh giá phương pháp làm việc (methodology) của team. Để từ đó team có thể cải thiện thiếu sót và duy trì điểm tốt. Trong link này có 10 hình thức để tổ chức retrospective. Bạn có thể chọn ra 2, 3 cái phù hợp với công ty hoặc team rồi áp dụng thử rồi chọn phương pháp phù hợp nhất.
Để bài viết không quá dài thì tôi sẽ chỉ giới thiệu một hình thức trong số này là Sailboat. Còn nhiều hình thức hay ho khác mà bạn có thể đọc thêm ở link bên trên.
2. Họp Retrospective theo kiểu Sailboat
Tổ chức retrospective theo kiểu Sailboat là coi team như một con thuyền đang đi trên biển với đích đến được định sẵn. Buổi retrospective là để phân tích xem con thuyền có đang đi đúng hướng không.
a. Gió:
Thuyền đi trên biển chỉ mong gặp gió lớn thuận chiều. Một mục tiêu quan trọng trong retrospective là xác định được team đang làm tốt ở điểm nào và tiếp tục phát huy. Lấy ví dụ một team product mà tôi quản lý. Họ cho các kỹ sư trong team khoảng 1 đến 2 tiếng mỗi tuần tập trung vào việc code. Các kỹ sư sẽ không phải làm gì khác hay bị tác động gì từ bên ngoài. Khoảng thời gian tập trung này là gió thuận chiều của họ. Trong khoảng thời gian ngắn này, họ có thể tập trung giải quyết được một khối lượng lớn công việc.
b. Neo:
Neo là yếu tố cản trở con thuyền đi tiếp. Điều bất ngờ là nhiều team không quan tâm đến những thứ gây cản trở họ. Lại lấy ví dụ là team product mới mà tôi quản lý. Họ không giỏi việc ghi chép nội dung thảo luận và kế hoạch. Kết quả là họ thường hay bàn đi bàn lại vấn đề cũ và có những buổi họp không cần thiết. Khi giải quyết vấn đề về việc ghi chép thì tốc độ công việc đã cải thiện hơn 30%.
c. Băng:
Khi đi trên biển bạn không thể thấy phần chìm của tảng băng. Nên ở buổi retrospective, team tìm ra phần nổi của tảng băng, tức phần có thể nhìn thấy của một mối nguy tiềm tàng. Khi làm product cần phải cẩn thận với những vấn đề có thể phát sinh trong tương lai mà team không nắm rõ như legal (luật), operation (vận hành), finance (tài chính). Riêng tôi thì luôn trao đổi trước với bên legal và finance mỗi khi lên kế hoạch và chuẩn bị phát triển một sản phẩm mới. Phải hoãn ra mắt tính năng hoặc sản phẩm vì vấn đề legal hoặc operation có thể tạo ra một vấn đề lớn. Nhưng vấn đề này hoàn toàn có thể tránh được nếu như con tàu nhìn thấy phần nổi của tảng băng trên biển.
d. Tầm nhìn:
Tầm nhìn cho thấy hành trình đi đến đích. Ngoài đặt mục tiêu với mốc thời gian dài như hàng tháng, hàng quý, hàng năm thì cũng phải chú ý việc đặt mục tiêu cho từng sprint dài hai tuần. Nếu chỉ đặt những mục tiêu lớn mà không có mục tiêu nhỏ thì sẽ không biết bắt đầu từ đâu để đạt được mục tiêu lớn đó. Khi tổ chức retrospective, tôi thường xem qua mục tiêu của sprint trước. Việc này là để đảm bảo mình đang đi một cách có hệ thống. Điều thú vị là sau khi áp dụng việc làm này, phần trăm đạt được mục tiêu của từng sprint tăng từ 70% lên 100%.
Thật ra yếu tố quan trọng nhất trong một buổi retrospective là quá trình chứ không phải người tham gia. Hãy tham gia retrospective với tâm thế của những thủy thủ. Xem team product như một con thuyền đi trên biển thực thụ, nơi mà không phải chỉ một cá nhân có thể đưa thuyền đến đích. Vậy nên thay vì tập trung vào việc chỉ mặt điểm danh ai sai cái gì, hãy dùng retrospective để học hỏi và định hướng (align) cả tàu tới đích.
2 comments