
Careerly (C): Đầu tiên, chị có thể giới thiệu một chút về bản thân (học vấn, kinh nghiệm làm việc) với độc giả của Careerly không?
Nho Dinh (ND): Chào mọi người, chị là Nho. Chị tốt nghiệp thủ khoa ngành Tài chính, đại học Kinh tế quốc dân.
Chị đã tham gia ngành tech/internet business từ năm cuối đại học và vẫn làm trong ngành tới tận bây giờ. Hiện chị đang là Senior Project Manager (Head of Loyalty) tại VNPAY, còn trước đó chị từng có 3 năm làm Indonesia Country Lead ở Đại Việt Group (công ty mẹ của batdongsan.com.vn trước khi bán lại cho Property Guru).
C: Có background đại học là Tài chính, điều gì đã khiến chị quan tâm và xây dựng con đường sự nghiệp ở các công ty làm sản phẩm công nghệ?
ND: Trong quá trình đi học đại học, chị cũng từng đi thực tập 2 công việc về tài chính, 1 về tài chính doanh nghiệp, 1 về kiểm toán. Dù được đánh giá thể hiện tốt trong công việc nhưng bản thân chị lại cảm thấy mình không hứng thú với công việc trong ngành này, nên cuối năm 4 đại học chị đã tham gia 1 edtech startup để tìm hiểu về ngành edtech nói riêng cũng như ngành tech nói chung. Dù làm startup thì khối lượng công việc nhiều mà thời gian đầu thu nhập cũng không cao, nhưng chị lại thấy rất thích, luôn hứng khởi đi làm mỗi ngày nên đã quyết định đi sâu hơn trong ngành này. One thing led to another, giờ chị đã làm ở ngành tech được gần 6 năm và vẫn muốn tiếp tục ^^
C: Việc không có background về IT có gây bất lợi gì cho chị trong quá trình tìm việc và làm việc trong ngành này không? Chị đã giải quyết những khó khăn ấy như thế nào?
ND: Khá khó khăn ở giai đoạn đầu đó. Thường các bạn không có background IT như chị khi tham gia ngành tech sẽ thấy ngợp bởi các “ngôn ngữ ngành” :)), đồng thời chị cũng sẽ cần dành nhiều thời gian cho việc học hỏi để hiểu rõ quy trình làm sản phẩm hay làm việc với các team product/developer.
Để giải quyết các khó khăn này thì chỉ có cách duy nhất là học hỏi thôi, tự học và học từ các anh/chị đi trước. Hay nhất là học từ chính team tech, vì họ là người hiểu rất rõ về quy trình làm việc, cũng như qua quá trình tương tác lẫn nhau sẽ tạo được tiếng nói chung và hiểu về style làm việc của nhau để dễ dàng phối hợp trong các dự án của công ty.
C: Chị từng có khoảng thời gian 2-3 năm làm việc tại Indonesia. Chị thấy trải nghiệm ấy đã cho chị điều gì giá trị nhất? Và khó khăn lớn nhất của chị trong quá trình làm việc tại nước ngoài khi ấy là gì?
ND: Indonesia là một đất nước với 87% dân số theo đạo Hồi và có một nền ẩm thực ảnh hưởng mạnh bởi Ấn Độ và Trung Quốc. Đa phần thời gian chị làm việc là ở Jakarta vì team và văn phòng đều hoạt động chính ở đó, ngoài ra có một số nhân sự ở các thành phố khác làm việc từ xa.
Hồi mới sang Indonesia, chị gặp đủ thứ vấn đề vì thời tiết và đồ ăn đều không hợp, không theo tôn giáo gì (ở Indonesia, việc bạn không theo tôn giáo gì là một việc hơi “lạ” trong mắt người dân bản xứ) và ngôn ngữ thì chỉ biết vài câu chào cơ bản. Trong quan niệm của nhiều người Indonesia, Việt Nam cũng là một nước nhỏ, không phải cường quốc như Nhật hay Sing để có nhiều nguồn lực đầu tư vào thị trường Indonesia, đồng thời vẫn còn nhiều tư tưởng coi trọng nam giới hơn trong môi trường kinh doanh. Do đó, khó khăn lớn nhất của chị khi đó là việc xây dựng niềm tin với team local, làm sao để mọi người thực sự tin tưởng đồng hành và cống hiến.
Chính trong hoàn cảnh đó, chị mới thấy việc tìm được các nhân sự cho core team ở nước bản xứ quan trọng như thế nào. Lúc chưa xây được core team thông thạo tiếng Anh thì để có thể trực tiếp trao đổi, chị thường phải làm việc với các bạn nhân viên người bản xứ thông qua 1 nhân viên người Việt biết tiếng Indonesia. Việc làm việc thông qua phiên dịch như thế không những giảm hiệu suất làm việc mà còn khiến cho bản thân chị thấy khó trong việc hiểu và nắm bắt được tâm ý của các bạn người bản xứ. May mắn là sau 6 tháng bắt đầu xây dựng đội ngũ, chị đã có duyên gặp và hợp tác được với một core team gồm Head của từng mảng, từ đó có thể tương tác sâu và trực tiếp với mọi người hơn.
C: Từng làm cho nhiều sản phẩm công nghệ ở nhiều lĩnh vực như edtech, fintech, classified platform, chị cảm thấy hứng thú với lĩnh vực nào nhất? Tại sao?
ND: Thời gian chị làm edtech khá ngắn và thuần nhiều về sales nên thời gian làm classified và fintech là 2 trải nghiệm chị học được nhiều nhất. Trong 2 mảng này, chị thích fintech hơn vì khả năng ứng dụng của mảng này vào nhiều use-case trong cuộc sống. Chị làm chính về mảng thanh toán điện tử và luôn cảm thấy hứng thú với viễn cảnh một xã hội không tiền mặt, như các video chị hay xem ở Trung Quốc hay Mỹ. Ngành fintech cũng là một ngành tăng trưởng nhanh và đang hút dòng tiền của nhà đầu tư, do đó làm việc trong ngành này cũng cho chị nhiều cơ hội thử – sai và nắm bắt những xu hướng mới nhất.
C: Trong các dự án chị từng thực hiện, dự án nào đáng nhớ nhất với chị? Giá trị mà chị rút ra được sau khi hoàn thành dự án đó là gì?
ND: Dự án đầu tiên chị tham gia khi vào VNPAY là VNPAY-QR, đây là dự án chị dành nhiều thời gian và có nhiều trải nghiệm nên rất đáng nhớ. Với VNPAY-QR thì chị không làm nhiều về sản phẩm mà đi sâu hơn vào câu chuyện kinh doanh.
VNPAY-QR không phải ví điện tử và không có app riêng (người dùng thanh toán VNPAY-QR bằng app mobile banking) nên ban đầu bên chị gặp rất nhiều khó khăn trong việc giới thiệu, hướng dẫn cho người dùng cả bên mua cũng như bên bán. Thanh toán điện tử thực sự là một cuộc chơi tốn kém ở thị trường Việt Nam vì có quá nhiều đối thủ cạnh tranh với nguồn lực rất khủng, nên bên chị đã phải lựa chọn hướng tiếp cận và cân đối ngân sách thật kỹ càng. Do đó, sau dự án này, chị đã học được rất nhiều về chiến lược và kế hoạch kinh doanh cũng như phát triển thị trường.
C: Một triết lý lãnh đạo mà chị yêu thích và đang áp dụng vào lead team là gì?
ND: “Authentic leadership” – đây là một khái niệm mà chị biết tới từ năm 2018 và từ đó tới giờ vẫn là kim chỉ nam cho triết lý và phong cách lãnh đạo của chị.Triết lý này gồm 4 phần:
- Tự nhận thức điểm mạnh, điểm yếu và hệ giá trị riêng, và thường xuyên lấy feedback từ các thành viên để 2 bên có thể hiểu và tương tác hiệu quả
- Ra quyết định sau khi đã cân nhắc ý kiến đa chiều, nhiều phía và thường xuyên khuyến khích các thành viên chia sẻ ý kiến, trải nghiệm
- Minh bạch về mục tiêu, quy trình công việc cũng như các suy nghĩ và cảm xúc với thành viên khi cần thiết.
- Đặt nhu cầu, mục tiêu của công ty lên trên nhu cầu bản thân mình một cách phù hợp; trong dài hạn, tập trung vào “do the right thing” để đảm bảo thành công dài hạn của tổ chức
Mọi người quan tâm có thể nghiên cứu thêm nhé, vì đã có rất nhiều nội dung chia sẻ về chủ đề này rồi.

C: Khi xây dựng kế hoạch và chiến lược cho một sản phẩm, theo chị điều quan trọng nhất cần chú ý để có thể giúp sản phẩm thành công là gì?
ND: Có nhiều yếu tố cần nghiên cứu và cân nhắc khi lên chiến lược sản phẩm, nhưng với chị thì chị thấy quan trọng nhất là xác định đúng và rõ “pain points/problem của users” mà sản phẩm của mình có thể giải quyết tốt hơn các sản phẩm hiện có trên thị trường. Thực tế trong ngành tech chị đã gặp rất nhiều sản phẩm “nghe qua có vẻ cool” mà đội ngũ sáng lập rất tự tin và kỳ vọng, nhưng khi cho ra mắt sản phẩm trên thị trường lại thất bại vì không đạt được product-market fit kể cả khi đã dành nguồn lực cho marketing và truyền thông. Đa số các trường hợp, nguyên nhân đến từ việc đội ngũ sáng lập đã không giải quyết một vấn đề “đủ đau” hoặc “đủ nhiều người đau” để sản phẩm có thể thành công về mặt thương mại.

C: Chị có đôi lời cuối cùng gì muốn gửi đến những độc giả của chuyên mục Chuyện Nghề, những bạn trẻ, có thể ở nhiều giai đoạn trên con đường phát triển sự nghiệp, nhưng đều đang có những mông lung, băn khoăn, trăn trở của riêng mình không?
ND: “Hãy trải nghiệm có định hướng”. Trải nghiệm là cực kỳ cần thiết để mỗi người hình dung được công việc thực tế sẽ diễn ra như thế nào và bản thân có phù hợp hay không. Sinh viên hay fresher đi làm cũng giống như đang xây “prototype” (mẫu thử) cho công việc mình muốn làm và cuộc đời mà mình muốn sống. Và cũng chính vì như vậy, chúng ta không có đủ nguồn lực và thời gian để xây quá nhiều mẫu prototype khác hẳn nhau mà khi “pilot run” xong không biết mẫu nào là phù hợp với mình. Do đó, chị nghĩ mọi người nên tìm cho mình một người mentor/coach đồng hành trong hành trình sự nghiệp, đặc biệt ở giai đoạn đầu để cùng tìm hiểu, phân tích và chọn ra những mẫu prototype công việc có thể phù hợp nhất để bạn ưu tiên chạy thử.
One comment