Chuyện nghề 2.1: Có phải Product Manager suốt ngày chỉ meeting rồi “chém gió”?

Posted by

Bài phỏng vấn giữa Careerly và Phan Nguyên Lập – Product Manager với kinh nghiệm làm việc tại nhiều tech startup quốc tế như Grab và ZoopCare về hành trình từ một Accountant trở thành Product Manager của anh cũng như những bài học anh tích lũy được sau khoảng 5 năm làm việc về Product.

Careerly (C): Chào anh, rất cảm ơn anh đã nhận lời xuất hiện trong buổi phỏng vấn của Careerly ngày hôm nay. Anh có thể giới thiệu một chút về bản thân với độc giả của Careerly được không?

Phan Nguyên Lập (LP): Xin chào mọi người, anh tên là Lập. Hiện anh đang làm Product Manager (PM) cho một sản phẩm về health care tại một startup của Singapore. Anh bắt đầu làm product được khoảng 4-5 năm, một khoảng thời gian anh nghĩ là “vừa phải” trong lĩnh vực này. Anh bắt đầu hứng thú về product khi làm ở vị trí Data Analyst tại một startup Việt Nam có sản phẩm là một social app. Còn lúc anh thực sự làm product là ở công ty Axon Active, và sau đó là Grab. Cả hai đều cho giúp anh học hỏi được rất nhiều về product, nhất là Grab. Gần đây, anh làm tại ZoopCare và càng đam mê hơn với Product và health care, nên anh tiếp tục làm Product Manager cho một startup về health care của Singapore. 

C: Vậy trước khi làm về data và trở nên hứng thú với Product, anh có nền tảng gì về công nghệ từ trước không? Nếu không, điều gì đã đưa anh đến với ngành công nghệ? 

LP: Từ đại học anh vẫn có đam mê học về tech. Anh may mắn được đi du học và học về IT gần 2 năm, có thể xem như là lấy được bằng cao đẳng. Nhưng sau đó anh lại cảm thấy ngành IT khó quá nên anh mới chuyển sang học accounting vì nghĩ nó hợp với anh hơn. Tuy vậy, anh vẫn giữ đam mê về tech và vẫn muốn học hỏi thêm. 

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Accounting, anh làm công việc đầu tiên trong một môi trường có nhiều người và việc gì cũng phải tiếp xúc hết nên anh cũng học được nhiều về cách làm việc kiểu startup. Năm 2015, anh về Việt Nam và vào làm cho Pepsico ở vị trí Planning Analyst, chuyên phân tích tài chính cho công ty. Lúc đó anh phải dùng excel mỗi ngày, ngày nào cũng phải gõ từng cái một mất thời gian quá nên mới học thêm mấy cái công thức cao cấp hơn của Excel để tự động hóa quy trình làm việc của mình rồi phân tích số liệu. Chính nhờ đó mà anh mới nhận thấy mình thích làm về data hơn. Sau khi tự mày mò và tìm hiểu anh bắt đầu hứng thú với công việc Data Analyst và sau đó là Product như đã kể trên.

C: Anh đã có một ít background về Tech nên khi anh chuyển hẳn sang Product, chắc sẽ có một chút lợi thế so với những người có Background chỉ thuần về Business hay Accounting, tuy vậy liệu anh có gặp khó khăn gì khi chuyển việc như vậy không?

LP: Thực ra quá trình chuyển việc của anh cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Anh khá may mắn được thử sức trong nhiều môi trường công ty khác nhau từ công ty nhỏ, đến công ty đã ổn định, rồi công ty đang trên đà phát triển như Grab nên cũng quen với nhiều cách làm việc khác nhau. Tuy vậy, anh nghĩ khó khăn lớn nhất là việc giao tiếp với team design và team tech trong thời gian đầu làm việc. Hai team này chuyên về kỹ thuật nên các bạn thường sử dụng rất nhiều từ ngữ chuyên môn. Dù anh đã có chút kiến thức về công nghệ nhưng ban đầu vẫn hơi “ngợp” khi nói chuyện với các bạn. Sau đó anh cũng tự mày mò học thêm về kiến thức design rồi sau đó nghiên cứu tìm cách để có thể trao đổi được với mấy bạn engineer.

C: Công việc của một Product Manager đòi hỏi kiến thức ở nhiều lĩnh vực để có thể làm việc với nhiều team khác nhau. Anh có lợi thế từng học về IT, vậy không biết với các kiến thức về Design, anh có phương pháp nào cụ thể để học thêm về mảng này không? 

LP: Về design, anh cố gắng đọc nhiều sách, article, blog về design. Nguồn đọc chủ yếu của anh là Medium và Flipboard, đó cũng là 2 apps anh thích dùng nhất. Anh thường follow những chủ đề về công nghệ vì anh biết công nghệ đi chung với design và business, tạo thành một tam giác product. Anh cứ follow những chủ đề đó rồi thuật toán của app tự đề xuất cho anh những bài viết để đọc. Sau này thì anh cũng mua sách thêm để đọc, rồi đăng ký newsletter tương tự như Careerly để họ gửi những bài báo bài đọc hay hơn. Ngoài ra anh cũng học theo mấy sếp vì họ thường sẽ chia sẻ kiến thức, truyền đạt lại kinh nghiệm. Đọc xong rồi thì phải làm thôi nên anh cũng hay tham gia những buổi review, làm việc của design.

C: Anh có lời khuyên gì dành cho các bạn không có background liên quan nhiều đến Product muốn dấn thân vào vị trí PM không?

LP:  Đầu tiên, anh muốn khuyên là nếu bạn đang làm một công việc nào đó thì bạn nên tập trung làm cho giỏi việc đó trước, lấy thêm nhiều kinh nghiệm vào, củng cố kiến thức chuyên môn rồi từ đó bắt đầu đánh giá điểm mạnh của mình. Với anh thì thường sẽ có 3 cái là khả năng sáng tạo, khả năng tư duy logic, cuối cùng là công nghệ, tại cái gì cũng cần có công nghệ hết. Trong ba mảng to ấy, hãy xác định xem mình giỏi mảng nào, tập trung vào nó rồi dần dần chuyển sang hai mảng kia. 

Các bạn cũng nên đi làm nhiều. Tại sao anh khuyên các bạn nên làm nhiều? Vì làm thực tế thì các bạn sẽ tiếp xúc với người này người kia, với nhiều team khác nhau, và tập được khả năng giao tiếp và lắng nghe. Anh làm PM cũng hầu hết là như vậy. Mọi người hay giỡn là suốt ngày chỉ thấy meeting rồi “chém gió” nhưng nó cũng có lí do của nó. PM thì phải hiểu được người dùng mà mình build sản phẩm cho. Để làm được thì mình phải đi nói chuyện, mà nói nhiều quá cũng không tốt, quan trọng mình phải biết lắng nghe để nắm được đối tượng user là ai, mình phải build cái gì cho người ta, rồi về truyền đạt lại cho team vì mình không thể kéo cả team đi interview chung với mình được vì ai cũng có việc để làm. 

Khi đó, khả năng nói ở đây là truyền đạt lại câu chuyện, diễn giải ý tưởng làm sao để thuyết phục được mọi người. Ví dụ như mình tin là build product theo hướng này sẽ tốt, sẽ giải quyết vấn đề này cho người dùng, thì mình cũng cần thuyết phục những người khác trong team tin mình. Có thể dùng data, nhưng nhiều khi kể chuyện hay, nói chuyện đúng ý và đưa ra được điều có ý nghĩa lại dễ làm người khác tin hơn. Nên ngoài luyện cho vững những kỹ năng đang có, các bạn cũng nên luyện thêm kỹ năng mềm là kỹ năng lắng nghe và kỹ năng nói chuyện. 

C: Công việc của PM phụ thuộc rất nhiều vào Product, và mỗi startup, mỗi Product lại có thể có những cách vận hành khác nhau. Anh có thể chia sẻ một ngày làm việc điển hình của mình không?

LP: Công việc hằng ngày thì cũng hơi lung tung, nhưng có thể chia thành một số task chính như thế này:

  • Daily Standup: Một ngày làm việc bình thường của anh sẽ bắt đầu với daily standup khoảng 15 phút vào buổi sáng để thành viên trong team nói chuyện, update tình hình với nhau. Lấy ý tưởng từ mô hình scrum của engineer để có thể deliver sản phẩm nhanh hơn thì chỉ có 3 thứ cần nói thôi: Hôm qua làm gì, hôm nay dự định làm gì và quan trọng nhất là trước mắt có khó khăn gì hay không để team cùng giải quyết. Khi ngồi chung với nhau thì anh cũng biết được là có chuyện gì xảy ra để cùng giải quyết và giúp nhau. 
  • Meeting: Khi làm việc với nhiều team thì sẽ có nhiều meeting để sync (đồng nhất) với họ. Meeting thường để giải quyết vấn đề hoặc là report (báo cáo) với nhau. 
  • Interview User: Mục tiêu là mỗi tuần sẽ có interview để nói chuyện với các bạn user để có thể hiểu họ hơn và đồng thời cũng để khám phá những ý tưởng mới. 
  • Analysis & Learnings: Meeting nội bộ và với user xong thì cũng hết ⅔ ngày rồi. Anh cũng cố block thời gian còn lại để ít nhất làm được ba thứ. Đầu tiên là recap – take note lại những gì trong meeting với các stakeholder, với user để sau đó truyền đạt lại cho team. Thứ hai là nghiên cứu đối thủ – lên xem những product khác tương tự họ làm cái gì để có thêm ý tưởng. Thứ ba là đọc tin tức một tí về product, về công nghệ, về business. 

Ngoài ra, trong thời điểm chuẩn bị chốt sẽ build sản phẩm như thế nào để engineer bắt đầu làm việc thì anh sẽ dành thời gian để khi các bạn engineer, có câu hỏi, anh sẽ giải đáp hoặc đưa đến đúng các bạn có thể giải đáp. Anh cũng dành thời gian để sửa, cập nhật lại các task để các bạn engineer có thể hiểu rõ ràng hơn. Còn một ít thời gian cuối ngày thì anh sẽ recap về bản thân bằng cách take note nhanh trong ngày hôm nay mình làm cái gì tốt, cái gì chưa tốt, ngày mai mình sẽ làm gì, để tiện chia sẻ vào daily standup hôm sau. Một ngày của anh có thể nói là như vậy.

Bạn đừng quên đọc tiếp phần 2 của bài phỏng vấn với chia sẻ về trải nghiệm tìm hiểu người dùng thực tế ở Grab và ZoopCare, cách cân bằng giữa các yêu cầu và ý kiến khác nhau về sản phẩm và nhiều hơn nữa:

Nếu bạn vẫn chưa đăng ký bản tin, dành 5s ghé http://try.careerly.vn/it-people/ và để lại email đăng ký để nhận được nội dung từ Careerly trực tiếp và nhanh nhất nhé.

3 comments

Để lại bình luận