POC, Prototype và MVP thường được nhắc đến như là các phương pháp kiểm chứng ý tưởng khi thiết kế/triển khai một sản phẩm/dịch vụ mới trong Lean Dev, Lean UX, Design Thinking, … Tuy phổ biến là vậy nhưng không phải ai cũng hiểu rõ sự khác biệt giữa chúng, và cũng vì sự phổ biến này mà không chỉ Product Manager, mọi vị trí khác trong team Product cũng cần hiểu và phân biệt được ba khái niệm này để đạt được hiệu quả cao nhất khi giao tiếp trong công việc.

1. Proof-of-Concept (POC – Bằng chứng Khái niệm):
POC là một dự án gồm nhiều thử nghiệm nhỏ để xác thực liệu một ý tưởng về một phương pháp (method) hoặc lý thuyết (theory) nào đó có khả thi hay không. POC được thực hiện ở giai đoạn sơ khai nhất khi mà sản phẩm chỉ mới là một ý tưởng (idea)/một khái niệm (concept). POC chưa chạm đến hình thức của sản phẩm và chỉ được dùng trong nội bộ tổ chức, vì vậy chúng ta không đánh giá dựa vào feedback của khách hàng. Với một số startup, có thể dùng POC để kêu gọi vốn đầu tư.
Câu hỏi được trả lời thông qua POC: Liệu ý tưởng có khả thi về mặt kỹ thuật trên thực tế hay không?
2. Prototype (Mẫu thử):
Nếu POC kiểm tra một tính năng riêng biệt của sản phẩm thì Prototype được tạo ra để kiểm tra tổng hợp toàn diện các yếu tố của một sản phẩm gồm tính năng, thiết kế, tính khả dụng. Một cách hiểu khác là POC dùng để trả lời câu hỏi “What – Cái gì khả thi?” còn Prototype trả lời câu hỏi “How – Làm như thế nào thì khả thi?”. Prototype không được phát hành ra thị trường nhưng sẽ được thử nghiệm trong phạm vi nhỏ gồm nhóm khách hàng có sẵn hoặc nhóm khách hàng tiềm năng nhất.
Câu hỏi được trả lời thông qua Prototype: Sản phẩm trong tương lai sẽ có hình thức như thế nào, dùng ra sao?
3. Minimum Viable Product (MVP – Sản phẩm Khả dụng Tối thiểu):
Từ quan trọng nhất trong MVP là “viable”, có nghĩa là ‘khả dụng”. MVP là sản phẩm với những chức năng tối giản nhất để sản phẩm/dịch vụ có thể mang lại giá trị sử dụng cho người dùng. Có thể hiểu, Prototype là một bản nháp sơ khai và vẫn còn nhiều lỗi còn MVP là phiên bản sản phẩm tuy cơ bản nhưng đã được hoàn chỉnh, hạn chế lỗi ở mức tối thiểu.
Tại sao bạn cần tạo ra MVP và đưa nó vào thị trường? Một trong những lý do phổ biến mà nhiều startup thất bại chính là tạo ra sản phẩm với những tính năng không ai dùng. Đây chính là lý do MVP ra đời – để tìm hiểu sản phẩm có tạo ra giá trị phù hợp với nhu cầu thị trường hay không. Nếu câu trả lời là có, MVP có thể tiếp tục được hoàn thiện để trở thành phiên bản đầy đủ hơn của sản phẩm và chính thức ra mắt trên thị trường.
Câu hỏi được trả lời thông qua MVP: Liệu sản phẩm có tạo ra đủ giá trị để cạnh tranh trên thị trường hay không?
Lời kết

Khi nhìn vào vòng đời của sản phẩm, chúng ta có thể liệt kê theo thứ tự POC → Prototype → MVP nhưng tôi nghĩ thay vì cố tìm sự liên quan giữa chúng thì việc hiểu chính xác từng đặc tính của mỗi khái niệm và ứng dụng chúng phù hợp với nhu cầu mới là phương pháp tiếp cận chính xác.
Đều là những phương pháp thử nghiệm ý tưởng và sản phẩm ở giai đoạn sơ khai nên việc POC, Prototype và MVP thất bại là điều bình thường. Giá trị của POC, Prototype và MVP được thể hiện rõ nhất khi bạn đánh giá chúng qua thành quả (outcomes) là xác định được lỗi và thiếu sót sớm, nhanh và ít tốn kém thay vì thành phẩm (deliverables, outputs) là một ý tưởng, sản phẩm thất bại.
Tôi hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn phần nào các khái niệm trên. Luôn ủng hộ cho nhiệt huyết của các bạn!
Bạn có thể tìm đọc định nghĩa các thuật ngữ xuất hiện trong bài như Agile, Scrum, Sprint, … tại đây.
Để nhận những nội dung tương tự một cách đầy đủ và sớm nhất, bạn có thể đăng ký nhận bản tin qua email từ Careerly bằng cách để lại địa chỉ email tại http://try.careerly.vn/.
5 comments