Chuyện nghề: Product Manager – Nghề không đợi tuổi

Posted by

Bài phỏng vấn giữa Careerly và anh Long Phạm về hành trình trở thành Senior Product Manager với tuổi đời khá trẻ. Bạn cũng có thể tìm phần nội dung tương tác giữa anh và độc giả trong chuyên mục Q&A ở cuối bài viết này.

Senior PM Phạm Hoàng Long

Careerly (C): Anh có thể giới thiệu một chút về bản thân với độc giả của Careerly được không?

Long Phạm (L): Chào mọi người, mình là Long Phạm, hiện đang là Product Manager (PM) về mảng digital product ở Tiki. Mình làm ở lĩnh vực Product được 3 năm rồi. Bởi vì thích trải nghiệm cái mới nên mỗi lần chuyển việc, mình đều thử thách bản thân ở những mảng khác nhau với các sản phẩm khá đa dạng: từ B2B đến B2C, internal lẫn external product.

C: Anh có định hướng làm product từ khi nào? Và anh đã chuẩn bị để thực hiện những định hướng đó như thế nào?

L: Thực ra ban đầu, mình hướng đến vị trí Project Manager ở các công ty outsource vì khái niệm Product Manager vẫn còn khá xa lạ đối với thị trường Việt Nam ở thời điểm đó. Để có thể lên được vị trí Project Manager thì mình đã bắt đầu từ vị trí dev (Developer – Lập trình viên). Trong quá trình làm dev thì mình nhận thấy bản thân thường có xu hướng nghĩ về “what-to-do” hơn là “how-to-do”. 

Sau khi tìm hiểu thêm thì mình biết được rằng: việc tìm ra những gì cần làm (what) là công việc của Product Manager, còn Developer sẽ là người tìm cách hiện thực điều đó (how). Chính vì vậy, mình quyết định rẽ sang con đường Product Management để có thể tận dụng tốt nhất khả năng của mình

Do chưa có kinh nghiệm làm Product Manager nên thời gian đầu mình khá chật vật khi tìm việc. May mắn là mình tìm được vị trí Product Analyst tại Amaris chỉ yêu cầu kinh nghiệm làm ở một công ty Product chứ không nhất định phải có kinh nghiệm làm Product Manager. Nhờ đó mà mình có cơ hội tìm hiểu sâu thêm về Product Management và quyết định đi chuyên sâu theo con đường này luôn. 

C: Có nhiều bạn trẻ muốn tìm hiểu về Product Manager tuy nhiên vẫn chưa hiểu lắm về sự khác nhau giữa Project Manager và Product Manager. Từ kinh nghiệm của mình, anh có thể chia sẻ điểm khác nhau cơ bản của hai vị trí này được không?

L: Theo mình, Project Manager thì sẽ thiên về quản lý con người như các bạn dev trong team và stakeholder, quản lý resources (tài nguyên) như thời gian và tài chính của dự án hơn. Còn Product Manager thì tập trung vào giải quyết được một nhu cầu nào đó của người dùng bằng sản phẩm do mình quản lý. 

Project Manager phải tìm cách để thực hiện được những yêu cầu sẵn có do khách hàng đưa ra sao cho đúng thời hạn với lượng resources có được. Còn Product Manager phải tự tìm ra thứ cần phải làm để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và giữ chân họ ở lại với product của mình. Có thể thấy Product Manager sẽ được tự do sáng tạo hơn Project Manager, đây vừa là cái hay vừa là cái khó của vị trí Product Manager vì thành bại đều nằm ở quyết định của bạn.

C: Anh đã chuyển việc nhiều lần qua nhiều vị trí khác nhau. Anh có gặp khó khăn gì trong quá trình chuyển việc không và anh đã vượt qua những cái khó khăn đó như thế nào?

L: Khó khăn lớn nhất là giai đoạn mình chuyển từ Dev sang làm Product Management. Lúc đó mình vẫn còn mang góc nhìn nặng về technical của Dev. Khi đưa ra solution thì mình thường phân tích từ hướng technical trước hơn là từ góc nhìn của user trước. Lúc đó thì những solution của mình thường gặp 2 vấn đề. Một là nó quá phức tạp cho những người không phải là dân công nghệ, hai là khi mình nghĩ quá nhiều về hướng technical dẫn đến việc có thể “lấn sang cả sân” của anh em dev, người có chuyên môn hơn về technical. Khi đó, mình dễ bị đi theo hướng đưa ra giải pháp phù hợp với khả năng công nghệ của công ty hơn là phù hợp với người dùng. 

Đây là một lối suy nghĩ rất sai lầm và nguy hiểm vì là một PM, mình phải luôn đưa user lên hàng đầu, bởi lẽ sự thành công của một sản phẩm là do sự ủng hộ của người dùng, không phải do công nghệ. Khi đó, nhờ những feedback khá nghiêm khắc từ chị manager, người luôn theo sát và giúp đỡ mình, mình đã nhận ra được sai lầm trong suy nghĩ của bản thân. Để thoát khỏi lối tư duy này, mình bắt đầu tìm đọc blog trên Medium và xem video trên Youtube để hiểu rõ hơn về cách tư duy trong Product Management. Đồng thời công ty lúc đó cũng tạo điều kiện cho mình học thêm các khóa học online và mời coach từ bên ngoài về để cải thiện các kĩ năng làm product. Sau khoảng nửa năm thì lối nghĩ “lậm tech” của mình mới thay đổi được.

C: Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ muốn đi theo con đường Product không?

L: Mình thấy mọi người hay hỏi câu: “Mình không có kinh nghiệm về technical thì có thể làm PM được không?” Thực ra theo mình, suy nghĩ này bắt nguồn từ việc thị trường Product của VN còn khá là non trẻ, các PM thế hệ đầu thường từ mảng Project Manager chuyển sang vì họ vốn có kinh nghiệm quản lý team Dev, mà Project Manager lại là người có khá nhiều kinh nghiệm về tech. Điều này dẫn đến suy nghĩ là muốn làm PM thì phải có kinh nghiệm về tech trước. 

Tuy nhiên, ở những thị trường Product đã trưởng thành như châu Âu, Mỹ những người có background về Business lại được ưa chuộng hơn. Thậm chí, nhiều công ty bên Mỹ còn yêu cầu phải có bằng MBA mới có thể apply vào vị trí PM. Thế nên mọi người không cần lo về việc không có kinh nghiệm làm technical thì sẽ không làm được PM. Khi dấn thân vào con đường PM đủ lâu, bạn sẽ thấy được mục đích cuối cùng của việc làm Product là đem đến business value lớn nhất cho công ty, còn tech chỉ là một trong ba khía cạnh (Tech – Business – Design) mà bạn cần dung hòa để đạt được mục đích đó. Do đó dù thiếu về Tech nhưng lại có kinh nghiệm về 2 khía cạnh còn lại thì bạn vẫn có thể trở thành một Product Manager, miễn là bạn chịu trau dồi khía cạnh còn thiếu của mình.

Còn về kỹ năng để làm PM thì mình có thể khuyên là các bạn nên tập trung nâng cao khả năng giao tiếp để có thể vừa biết cách lắng nghe, thấu hiểu vấn đề của user vừa truyền đạt được chính xác ý tưởng của bạn cho người khác hiểu. Ngoài ra, một kỹ năng quan trọng khác với PM là multitask (đa nhiệm). Trong vai trò là cầu nối giữa phía business và technical, bạn sẽ phải thường xuyên hỗ trợ, phối hợp với nhiều phòng ban khác nhau, và vì thế việc “bị gọi tên trả bài đột xuất” để giải quyết vấn đề gì đó xảy ra khá thường xuyên với PM. Ví dụ, bạn đang làm việc A mà có người bên business đề nghị hỗ trợ gấp thì cũng phải dừng việc mình đang làm lại để giải quyết giúp họ. Vậy nên để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, bạn cần có khả năng multitask.

Cuối cùng, về tài liệu tham khảo. Thường thì mọi người khuyên đọc sách nhưng vốn tính mình thì không thích đọc sách lắm *cười* mà mình thích xem video trên Youtube hơn. Trong đó, kênh mình thích nhất là Product School – một kênh đăng tải nhiều video rất hay chia sẻ về kinh nghiệm làm product của PM các nước, những kĩ năng cần thiết của một PM hay cách để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này. Ngoài ra, mình cũng thích kênh Exponent với các video mô phỏng quá trình phỏng vấn PM tại các công ty lớn. Qua những video này, bạn có thể hiểu được tư duy của một PM và có cái nhìn tổng quan hơn về ngành. Nói là không thích đọc sách nhưng mình vẫn phải đọc qua “The Product Book” của Product School. Quyển này như sách giáo khoa cho ngành này vậy, nó tổng hợp tất cả những định nghĩa về ngành Product, cũng như những kĩ năng cần có cho người mới bắt đầu.
 
C: Ở Việt Nam thì các vị trí PM thường yêu cầu nhiều năm kinh nghiệm (thường là 5+ năm kinh nghiệm). Vậy khi tìm việc ở vị trí PM mà chưa có nhiều kinh nghiệm tương đương, anh có gặp khó khăn gì không? Anh có thể chia sẻ một số bí quyết để có thể trở thành Senior PM trong một công ty có tech product lớn như Tiki khi tuổi đời cũng như tuổi nghề còn khá trẻ được không?

L: Thực ra, đối với mình, vấn đề tuổi tác không ảnh hưởng nhiều lắm trong quá trình tìm việc mà ảnh hưởng đến cách làm việc hằng ngày của bạn hơn. Vì đôi khi nếu bạn còn quá trẻ thì sẽ khó giao tiếp và thuyết phục được mọi người trong team. Lời khuyên của mình cho vấn đề này là bạn nên giao tiếp bằng lí lẽ thay vì cảm tính. Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng data, bằng chứng thực tế để thuyết phục, giải thích cho mọi người về những phương án, ý tưởng của mình. 

Tuy nhiên cũng có một số vị trí PM yêu cầu độ tuổi khá trẻ vì người trẻ sẽ gần gũi với độ tuổi của tệp người dùng mà product đó hướng đến hơn. Ví dụ như một công cụ chat hướng đến người trẻ thì một PM tầm 40/50 tuổi dù có 10 năm kinh nghiệm thì thường cũng khó mà hiểu được insight người dùng bằng một PM tầm 25-30 tuổi. 

Nói về khó khăn khi tìm việc thì khó khăn lớn nhất với mình thực ra lại là việc chọn được công ty phù hợp với bản thân. Công ty phù hợp theo mình ở đây gồm 2 yếu tố: Một là mức độ hứng thú của mình với product và hai là mức độ liên quan giữa background của mình với product. Tìm được công ty cân bằng được hai thứ đó thì khá khó với mình. Mình có giới thiệu ban đầu là mình thích làm những cái mới khi chuyển việc nhưng người ta lại ít khi tuyển người chưa từng có kinh nghiệm ở industry đó làm PM. Tuy nhiên nếu bạn có thể bù lại bằng tư duy làm product của bạn, chứng minh được rằng dù có làm Product ở mảng nào tư duy của bạn vẫn adapt (thích ứng) được thì bạn vẫn sẽ nhận được việc.        

Bí quyết để trở thành một Senior PM một cách nhanh nhất thì mình luôn đặt câu hỏi Why – Tại sao. Hầu như đụng gì mình cũng hỏi, thậm chí kể cả khi việc đó không nằm trong phạm vi công việc của mình. Tất nhiên mình cũng biết chọn thời gian phù hợp khi đồng nghiệp rảnh để hỏi. Nhờ tính tò mò, ham học hỏi này, bạn có thể tìm hiểu được gốc rễ của vấn đề cũng như cách tư duy giải quyết vấn đề của các bên liên quan. Điều này sẽ giúp bạn trưởng thành rất nhanh cả về tư duy PM nói riêng và cách suy luận logic nói chung. Khi đưa ra một giải pháp cho sản phẩm của mình, bạn sẽ có cái nhìn đa chiều hơn và đưa ra được những ý tưởng tối ưu nhất.    

C: Như đã chia sẻ, khi mới làm PM thì lối nghĩ thuần technical đã khiến anh gặp khó khăn, vậy ngoại trừ vấn đề đó ra thì anh còn gặp khó khăn gì khác trong quá trình làm PM không và anh đã giải quyết những vấn đề đó như thế nào?  

L: Đúng là nhờ có background technical rồi nên mình cũng không gặp khó khăn lắm về phía dev. Nhưng về phía business và designer thì lại là một câu chuyện khác. Trước đây có nhiều lần phòng kinh doanh từng đưa những kế hoạch ngắn hạn vào giữa dự án làm gián đoạn product roadmap của bên team mình. Khi đó thì team mình đã giải quyết bằng cách đầu mỗi quý, bên mình sẽ đưa ra danh sách các OKR (Objective – Key Results) cho product. Danh sách này sẽ được thống nhất giữa các team. Trong quá trình phát triển sản phẩm, nếu team business có đưa ra những yêu cầu ảnh hưởng đến roadmap thì lúc này cả 2 team sẽ phải ngồi lại để xem yêu cầu đó có phù hợp với OKR đã đặt ra ban đầu không. Nếu yêu cầu đó không có đóng góp vào việc hoàn thành OKR thì sẽ phải đánh giá xem liệu nó có đáng giá để thực hiện không và có ảnh hưởng như thế nào đến OKR ban đầu. 

Còn với team designer thì lại có một thách thức khác. Designer thường hay có những ý tưởng khá bay bổng và đặt nặng về phần nhìn. Do đó khi team designer đưa ra thiết kế, mình cần biết chọn ra những phần nên đầu tư công sức vào và thuyết phục họ bỏ bớt những phần không cần thiết để đưa sản phẩm đến nhanh nhất với người dùng. Đôi khi việc này sẽ khiến hai bên có những mâu thuẫn với nhau nếu lý lẽ đưa ra không thuyết phục. Để giải quyết việc này, cách duy nhất đó là mình cần liên tục trau dồi kiến thức về Design để có thể đưa ra những đánh giá chính xác nhất, tránh việc tranh cãi giữa các bên.

C: Trong quá trình làm product thì một trong những điều quan trọng chính là thấu hiểu người dùng để phát triển sản phẩm, tuy nhiên đây không phải là một điều dễ dàng, liệu anh có thể chia sẻ một số tips mà anh sử dụng để có thể thấu hiểu người dùng được không?  

L: Trước khi nói về người dùng thì mình muốn nói về Product-Market Fit (PMF). Hiểu đơn giản, PMF là khả năng sản phẩm giải quyết được vấn đề của khách hàng trong phân khúc thị trường sản phẩm nhắm đến. Để đạt PMF, sản phẩm của bạn phải xác định được 3 yếu tố: Target Customer (tệp người dùng nhắm tới), Needs (nhu cầu) và Solution (giải pháp).
Một sản phẩm thành công cần đạt được PMF. Và gốc rễ của PMF là Customer (người dùng).
 


Còn về phương pháp để hiểu được khách hàng, mình thường dùng phân tích cohort (cohort analysis). Đây là phương pháp giúp phân tích hành vi của một nhóm người dùng có chung đặc điểm nào đó (cùng có hành động thanh toán, cùng đăng ký thành viên) trong từng khoảng thời gian riêng biệt. Với phương pháp này, mình có thể xem mức retention rate (tỉ lệ duy trì sử dụng) của từng nhóm người dùng theo thời gian. Nhờ vậy mình có thể xác định được trong khoảng thời gian đó mình đã thực hiện điều gì ảnh hưởng tới retention để có thể phát huy hoặc khắc phục.

Ngoài phân tích cohort, thì còn phương pháp truyền thống là phỏng vấn người dùng. Bạn có thể thực hiện hỏi đáp dạng survey, phỏng vấn hoặc moderated usability test. Moderated usability test là phương pháp mà bạn yêu cầu người dùng thực hiện một nhiệm vụ, một task với sản phẩm của bạn. Người dùng phải hoàn thành task đó mà không nhận được giải thích hay hướng dẫn gì. Sau đó bạn quan sát biểu hiện của họ để hỏi tiếp các câu hỏi mở như “tại sao bạn lại chọn vào đấy”, “tại sao bạn phải lặp lại hành động này”…, từ đó bạn sẽ lấy được feedback từ người dùng để cải thiện sản phẩm cho phù hợp.  

Nhưng dù thực hiện phương pháp nào, bạn cũng cần nhớ “feedback is about people, not user”. Muốn lấy feedback của user thì hãy tạo một cuộc hội thoại thoải mái đúng nghĩa, tự nhiên giữa người với người chứ không phải là kiểu mình đặt câu hỏi rồi họ trả lời một cách máy móc. Khi kết nối được với người dùng thì lúc đó feedback mới càng chân thật và có giá trị.

C: Anh đã từng làm qua rất nhiều kiểu công ty, từ startup cho đến tập đoàn đa quốc gia. Anh có thể chia sẻ về trải nghiệm làm việc của mình tại các kiểu công ty khác nhau như vậy không? Điểm mà anh thích nhất ở mỗi công ty là gì?

L: Để so sánh trải nghiệm làm việc tại hai kiểu công ty Tập đoàn đa quốc gia và Startup, mình sẽ đi qua ba khía cạnh:

Đầu tiên là về văn hóa làm việc. Tập đoàn đa quốc gia có cấu trúc công ty rất chặt chẽ nên để phát hành được một tính năng thì phải trải qua rất nhiều quy trình. Các sản phẩm ở tập đoàn đa quốc gia được tạo ra để phục vụ cho cả một khu vực chứ không chỉ riêng một quốc gia nào đó. Vì vậy, khi một PM đưa ra quyết định thay đổi bất cứ điều gì thì phải thống nhất với tất cả các PM ở những nước khác. Cái lợi là tính năng sẽ hoàn thiện hơn khi phát hành nhưng lại tốn cực kỳ nhiều thời gian để các bên thống nhất. Ngược lại, startup nội địa thì chỉ phục vụ cho đối tượng người dùng Việt Nam nên quy trình tinh giản hơn, theo đó thời gian để phát hành tính năng mới cũng được rút ngắn nhiều. 

Thứ hai, về tài nguyên. Tập đoàn lớn có tài chính rất mạnh nên hầu như chi phí không là vấn đề, bạn chỉ cần quan tâm tới khả năng giải quyết được vấn đề của user là đủ. Nhưng ở startup nội địa, bạn phải biết cân đối vừa đảm bảo giải quyết được vấn đề của user vừa tối ưu hóa chi phí trong việc mang tính năng đó đến tay người dùng.

Khía cạnh cuối cùng là con người. Cả hai môi trường mình từng làm đều chung một điểm là mọi người rất trẻ trung và năng động. Đây cũng là điểm mình thích nhất. Trong môi trường trẻ và năng động thì tinh thần bạn cũng phấn khởi và lúc nào cũng tràn đầy cảm hứng theo. Với nguồn năng lượng như vậy, họ gần như luôn sẵn sàng trực chiến 24/24. Nếu product có vấn đề, chỉ cần ping thì mọi người sẽ vào giải quyết vấn đề cùng bạn. Đây là một điều rất quan trọng trong quá trình làm Product vì nó thể hiện tính sở hữu sản phẩm của các thành viên trong team. Product không còn là một cái task cần hoàn thành để lấy lương mỗi tháng mà như một phần trong cuộc sống, như “đứa con” của họ vậy, họ lúc nào cũng muốn đưa ra sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. 

Ngoài ra, một điểm mà ở tập đoàn quốc gia hơn trong nước đó là cơ hội được làm việc với nhiều PM nước ngoài và có cơ hội được học hỏi về văn hóa, cách làm việc và tư duy của họ nhiều hơn. 

C: Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn một chút về trải nghiệm làm việc với các PM nước ngoài có gì khác so với PM Việt Nam không? 

L: Khác biệt thì có nhưng thực ra là vì vai trò của họ cũng khác PM của công ty bên Việt nam nữa. PM ở bên Sing thiên về mảng chiến lược nên họ thường quan tâm tới việc một tính năng có thể mở rộng được sang các nước khác hay không. Bên Trung Quốc thì chủ yếu làm về technical nên họ rất kỹ tính trong những document về technical. 

Về cách làm việc thì mình phải công nhận rằng các bạn PM bên Trung Quốc hay Singapore có tinh thần cống hiến rất nhiều. 1,2 giờ đêm họ vẫn ngồi gửi document hay trả lời mail. Đây là một điều mình khá ngưỡng mộ nhưng mình cũng không khuyến khích mọi người nên làm theo lắm, vì cũng nên giữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

C: Với một công việc mang tính multi-tasking cao, PM chắc hẳn sẽ có kỹ năng quản lý thời gian tốt. Anh có thể chia sẻ một số cách anh quản lý thời gian trong công việc không? 

L: Đầu mỗi ngày, mình sẽ liệt kê những tasks cần làm trong ngày, tối đa là không quá 3 đầu việc để đạt được hiệu quả tốt nhất cho mỗi task. Đến cuối ngày thì check lại tiến độ hoàn thành và thêm những tasks phát sinh. Bằng việc theo dõi tasks như vậy, bạn sẽ quản lý được thời gian của mình tốt hơn. 

Nhưng thực ra nói PM có thể hoàn toàn quản lý được thời gian của mình thì cũng không hẳn. Chính vì tính chất multi-tasking mà có nhiều lúc thời gian làm việc của PM sẽ bị cắt ngang để đi hỗ trợ người khác nếu họ cần. Sẽ có những lúc bạn dành phần lớn thời gian để đi họp và không thể hoàn thành task riêng của mình. Để có thể tập trung cho những tasks riêng của bản thân, khoảng 2 ngày trong tuần, mình sẽ tắt hoàn toàn các công cụ chat như Slack hay Skype để tạo một khoảng thời gian mà không ai liên hệ mình được. Vào những trường hợp cấp bách nhất thì họ sẽ liên hệ qua điện thoại. Ngoài ra, vào thời gian ngắn giữa những lúc không họp, mình sẽ note lại những ý tưởng mà mình nghĩ ra, rồi trong 2 ngày kia mình sẽ triển khai những ý tưởng đó ra mà không mất thời gian suy nghĩ lại từ đầu. 

C: Trong tình hình dịch bệnh như hiện tại thì các sản phẩm e-commerce như Tiki có lợi thế và bất lợi gì? Anh có thể chia sẻ một số dự án hoặc tính năng mới anh đang thực hiện để đáp ứng nhu cầu mới do tình hình dịch bệnh như hiện tại không? 

L: Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, điểm thuận lợi rõ ràng nhất là phần lớn người dùng phải chuyển sang mua sắm online. Tuy nhiên, một điểm bất lợi là do ảnh hưởng của dịch, bên logistic và kho bãi khá loạn, nên để có thể phục vụ khách hàng tốt nhất, tụi mình phải liên tục cập nhật hệ thống sao cho theo kịp với quy định của chính phủ. Dù vậy, qua giai đoạn này, về lâu dài thì bên mình sẽ được nhiều hơn là mất. Kể cả khi dịch bệnh kết thúc thì mọi người cũng đã hình thành được thói quen mua sắm online và nếu bạn có thể phục vụ người dùng tốt trong thời gian dịch bệnh này, họ sẽ tiếp tục sử dụng sản phẩm lâu dài.

Đó là nói chung về công ty, còn bên team mình thì hiện tại đang chuẩn bị dự án insurtech kết hợp với một công ty bảo hiểm khá lớn ở Việt Nam. Về chi tiết thì bên mình sẽ số hóa toàn bộ trải nghiệm của người dùng từ việc mua đến claim bảo hiểm trên Tiki. Mình tin rằng, với việc người Việt Nam ngày càng quan tâm đến sức khỏe của mình, đặc biệt là trong và sau đại dịch thì sản phẩm của team mình sẽ giúp mọi người chăm sóc bản thân cũng như gia đình tốt hơn. 

C: Chúc sản phẩm sắp ra mắt của Tiki sẽ được nhiều người ủng hộ. Careerly cũng thấy đây sẽ là một sản phẩm rất có ý nghĩa. Vậy thì anh có một case/một sản phẩm anh đặc biệt yêu thích trong ngành Product không? 

L: Có một sản phẩm mình khá ấn tượng là Spotify. Spotify mới đầu chỉ là một công ty nhỏ thôi mà đã tuyên chiến với Apple bằng cách không chia lợi nhuận cho Apple, dẫn đến việc app Spotify trên iOS bị tắt tính năng đăng ký người dùng. Lúc đó mọi người đều nghĩ rằng Spotify chắc chắn sẽ chết. Nhưng ngược lại, Spotify vẫn cứ tiếp tục phát triển mạnh mẽ đến bây giờ. Điều đó cho mình thấy khi sản phẩm của bạn thực sự tốt và đủ thu hút người dùng thì những yếu tố ngoại cảnh khác dù có tác động thế nào thì người dùng vẫn sẽ ở lại với bạn. 

Về cá nhân mình, sau khi có trải nghiệm tương tác trực tiếp với Spotify, mình lại càng hiểu rõ lý do tại sao họ lại thành công, đó là nhờ: sự quan tâm đến người dùng. Mình từng có một thắc mắc về payment và đã trao đổi qua email với bên chăm sóc khách hàng của họ. Dù mình email vào khung giờ nào, dù là ngày hay đêm thì đều nhận được hồi âm ngay lập tức từ người thật chứ không phải là mail trả lời tự động. Điểm ấn tượng hơn nữa là nhân viên tư vấn cho mình hoàn toàn là những người khác nhau nhưng họ vẫn có thể nắm được thông tin đã được những người khác đã trao đổi trước đó với mình. Điều này chứng tỏ họ xây dựng bộ phận CSKH rất tốt để đồng bộ cả hệ thống. Sau khi vấn đề của mình được giải quyết thì họ còn gửi cho mình một playlist như một lời cảm ơn vì đã sử dụng dịch vụ CSKH bên họ nữa. Họ chăm sóc và quan tâm người dùng từ những tiểu tiết nhỏ nhất như vậy, nên đây cũng là lý do làm mình thấy ấn tượng với Spotify.

C: Careerly cũng đồng ý Spotify là một sản phẩm rất độc đáo và đặc biệt quan tâm đến người dùng. Đây cũng là câu hỏi cuối cùng cho buổi phỏng vấn ngày hôm nay rồi. Anh cảm thấy công việc Product đã mang lại cho anh những giá trị gì? 

L: Công việc này khiến mình hoàn thiện bản thân hơn nhiều. Đầu tiên là nhờ việc giao tiếp nhiều và thường xuyên giữa các bên, mình cảm thấy bản thân năng động hơn, khả năng thuyết trình trước đám đông cũng tốt hơn và học được một điều rất đáng quý đó là biết lắng nghe người khác. Chia sẻ thêm một chút thì hồi trước mình khá bướng, nhưng sau khi làm Product được 1-2 năm thì mình bắt đầu học được cái tính là phải lắng nghe được người ta và tiếp thu, phản hồi lại feedback từ họ chứ không phải lúc nào cũng áp đặt cho họ.

Ngoài ra, mình cũng học thêm được nhiều kiến thức mới sau nhiều trải nghiệm làm việc đa dạng từ những sản phẩm B2B đến các sản phẩm B2C, biết được cái khắc nghiệt của thị trường B2B cũng như độ phức tạp của việc phục vụ khách hàng B2C như thế nào. Mình cũng trải qua nhiều lĩnh vực như fintech, POS và e-commerce nên cũng có cơ hội tiếp xúc được với nhiều kiến thức mới. 

Đây là những điều quý giá mà mình nhận được nhờ quá trình làm công việc Product này. 

Bạn hỏi Product Manager trả lời: Q&A cùng độc giả bản tin

Phần này gồm những câu trả lời từ anh Long Phạm cho một số câu hỏi do độc giả của bản tin gửi đến. Để có cơ hội tham gia đặt câu hỏi cho các khách mời trong tương lai, hãy đăng ký nhận bản tin Product Management đầu tiên tại Việt Nam từ Careerly tại: http://try.careerly.vn/it-people/

Q: Nhờ anh chia sẻ thêm các cơ hội việc làm cho của Product Manager. 

A: Không như thời của anh, hiện tại cơ hội cho các bạn trẻ tiếp cận con đường PM khá là nhiều. Nếu chưa có kinh nghiệm đi làm, em có thể bắt đầu từ các chương trình PM intern, fresher của các công ty lớn như VNG, Shopee, Tiki… 

Ngoài ra, việc tham gia chương trình Management Trainee của một số tập đoàn công nghệ cũng là một cách. Tham gia các chương trình này, em sẽ được xoay vòng làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, bao gồm vị trí Product Manager. Theo như anh biết thì Shopee là một trong những công ty tổ chức chương trình này hàng năm.

Còn nếu em đã đi làm rồi, em có thể chuyển sang vị trí PM ngay ở công ty hiện tại (nếu có). Các công ty sẽ luôn ưu tiên tuyển người nội bộ vào vị trí PM, vì khi đó em đã quen với cách làm việc của các phòng ban, văn hóa và tầm nhìn phát triển của công ty nên có thể dễ dàng giao tiếp và quản lý các stakeholder của mình.

Q: Cảm ơn những chia sẻ của anh. Em hiện đang có 2 năm kinh nghiệm trong Apparel Production Managament. Em rất hứng thú với việc lắng nghe, làm việc và hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Một người không có kiến thức về tech như em nên học gì và cần có kỹ năng gì cho công việc của PM? Em có thể bắt đầu ở vị trí nào và mức lương khoảng bao nhiêu ạ? Mong phản hồi từ anh. Em cảm ơn và chúc anh tràn đầy niềm vui trong công việc và cuộc sống ạ.

A: Với công việc hiện tại của em, anh đoán rằng em cũng phần nào thành thạo được các kĩ năng ở khía cạnh business rồi nhỉ? Hai mảnh ghép em còn thiếu là Technical và Design. Tuy nhiên, lời khuyên của anh nếu em muốn bước vào con đường PM nhanh nhất thì đừng đi quá sâu về hai khía cạnh đó. Hãy tìm hiểu những khái niệm cơ bản nhất của hai phần đó thôi:

  • Về tech: em hãy tìm hiểu xem một hệ thống phần mềm vận hành cần những gì, những khái niệm vỡ lòng về API, mạng máy tính, phần mềm…
  • Về design: tìm đọc những định nghĩa về các element, component trong design

Sau đó, hãy tận dụng thế mạnh nhất của em để thu hút được nhà tuyển dụng: am hiểu về Business. Luôn thể hiện rằng em là một người thành thạo các khái niệm, process về business, khả năng vận hành và kĩ năng quản lý. Đồng thời, cho họ thấy được cách em giao tiếp và lấy được insight người dùng trong công việc hiện tại của em thế nào. Từ những thứ đó, em sẽ thể hiện được rằng mình có tiềm năng trở thành một Business PM (tức là những PM thiên về mảng business hơn). Chúc em tận dụng tốt lợi thế của mình nhé.

Q: Một văn hóa tại công ty hiện tại mà bạn thích nhất và cho rằng nó tạo nên điểm khác biệt cho công ty?

A: Văn hóa mình thích nhất ở công ty hiện tại và cả ở những công ty trước đó là văn hóa Startup. Với văn hóa này, bạn và đồng nghiệp lúc nào cũng ở trong trạng thái sẵn sàng để thích nghi với những cái mới, luôn có cảm giác phải cùng nhau đấu tranh sinh tồn mỗi ngày. Điều này tạo cho mình cảm giác luôn phấn khích, hào hứng khi đi làm, tránh cảm giác nhàm chán, lặp đi lặp lại một công việc mỗi ngày.

Ngoài ra, văn hóa Startup còn giúp bạn học hỏi từ những thất bại tốt hơn. Khác với những công ty mang nặng tính Corporate, nơi mọi quyết định của bạn sẽ phải cân nhắc rất lâu và kĩ càng nên sẽ rất khó xảy ra sai sót, thì ở doanh nghiệp mang tính Startup, bạn sẽ phải có những lúc ra quyết định rất nhanh và táo bạo, chính vì vậy việc xảy ra sai sót, thất bại là điều mà bạn sẽ luôn phải đối mặt. Vấp ngã càng nhiều, bạn sẽ càng học hỏi nhanh hơn. Và vì là startup, mỗi cú vấp ngã sẽ “thấm” hơn rất nhiều với những công ty mạnh về tiềm lực tài chính, điều này càng làm bạn khắc sâu hơn bài học từ những lần vấp ngã đó.

Q: Thông thường một ngày anh dành bao nhiêu phần trăm cho công việc ạ? Anh có cảm thấy công việc hiện tại giúp cân bằng giữa cuộc sống và công việc hay không?

A: Với những hoạt động liên quan đến công việc, nghề nghiệp thì anh có thể nói bình thường một ngày anh sẽ dành khoảng 10-11 tiếng cho chúng. Ngoài 8 tiếng làm việc cho công ty, còn lại là anh dành để cải thiện bản thân mình. Có thể kể đến vài hoạt động như:

  • Xem các clip về PM skill, industry insight
  • Học một khóa kĩ năng mềm nào đó
  • Đọc báo, tin tức về công nghệ
  • Viết lách về các vấn đề xoay quanh nghề PM

Do lượng kiến thức cho công việc PM rất rộng lớn và được cập nhật mới mỗi ngày, nên việc để bản thân dừng học hỏi sẽ đồng nghĩa với việc em tự ngáng chân mình trên con đường này. Có thể đối với người ngoài, dành chừng ấy thời gian cho công việc, nghề nghiệp là áp lực. Nhưng đối với bản thân anh, việc học hỏi những thứ mới nó gần như là một niềm vui vậy. Nếu em thực sự yêu thích công việc của mình, thì mỗi khi tiếp nhận một kiến thức mới em sẽ có cảm giác như vừa tìm ra một bí mật trong trò chơi yêu thích của em vậy.

Q: Em là sinh viên IT cũng mong muốn ra trường làm PM, anh có thể giới thiệu cho em một số môn học tại trường mà anh nghĩ sẽ giúp ích cho việc làm nghề sau này không?

A: Như anh đã đề cập, một PM sẽ là sự dung hòa giữa 3 khía cạnh Business – Technical – Design. Là một sinh viên IT, cái lợi của em sẽ là được tập trung học những kiến thức về Tech với các thầy cô luôn ở bên cạnh. Thế nên để tận dụng lợi thế đó, em nên tập trung vào các môn học lập trình, mạng máy tính khi còn đang đi học. Với sự hướng dẫn của thầy cô, em sẽ nắm bắt được rất nhanh so với những bạn từ những chuyên ngành khác và phải tự học về tech.

Ngoài ra, em cũng đừng vì quá chăm chú mà quên mất các hoạt động tập thể, những cuộc thi mà trường tổ chức. Đây là điểm yếu anh rất thường thấy của các bạn sinh viên IT. Mọi người cứ quá tập trung cải thiện technical skill mà quên mất rằng để làm việc trong một công ty thì kĩ năng mềm cũng là một phần không thể thiếu. Qua những hoạt động và cuộc thi đó, em sẽ học thêm được cách diễn thuyết trước đám đông, kĩ năng làm việc nhóm và critical thinking. Tất cả những thứ đó đều là những kĩ năng hết sức quan trọng cho mọi ngành, và càng quan trọng hơn khi em là một PM.

One comment

Để lại bình luận