Học được gì về Localization từ phim hoạt hình Pixar?

Posted by

Trước khi vào bài chính, tôi muốn nhắc lại một trích dẫn tôi rất thích: 

“Một PM tốt sẽ không bao giờ quên được sự thật rằng, tiểu tiết tạo nên sự khác biệt trong chất lượng sản phẩm.”

1. Phim hoạt hình “Inside Out” của Pixar có đến 45 phiên bản khác nhau:

Ra mắt vào năm 2015, phim hoạt hình “Inside Out” của Pixar đã dành được sự yêu thích không những của trẻ em toàn cầu mà còn của rất nhiều người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh đang nuôi con nhỏ. Nội dung chính của bộ phim chủ yếu kể về các nhân vật đại diện cho từng cảm xúc của cô bé nhân vật chính Riley, về cuộc sống của những cảm xúc này bên trong não cô bé ra sao. Với mỗi tình huống thực tế ngoài đời mà Riley đối diện thì các nhân vật cảm xúc sẽ điều khiển cảm xúc cô bé cho phù hợp, sau đó chuyển thành trải nghiệm và sau đó là thành ký ức ngắn hạn trong những quả cầu màu và những quả cầu màu này sẽ được đưa đến vùng lưu trữ ký ức dài hạn, những ký ức dài hạn này tập hợp lại hình thành nên tính cách của cô bé. Nội dung bài viết hôm nay thay vì kể lại chi tiết nội dung bộ phim thì chúng ta sẽ nhìn vào quá trình đoàn làm phim đã dành tâm huyết, đưa ra quyết định như thế nào để tạo ra một bộ phim tuyệt vời như vậy và dựa vào đây, để xem xem một PM sản phẩm công nghệ có thể học hỏi được gì để đưa sản phẩm của mình ra toàn cầu (globalization).

Ví dụ đầu tiên, chúng ta cùng nhìn vào cảnh phim bố Riley đang cho cô bé ăn rau củ. Nhưng ở đây cũng có điểm khác biệt giữa bản quốc tế và bản phim được chiếu tại Nhật Bản.

Loại rau mà Riley ghét cũng khác nhau tùy theo quốc gia mà Riley đến.

Trong phiên bản quốc tế, nhà làm phim đã chọn cho cô bé Riley rau súp lơ. Các nhà làm phim Inside Out, lúc đầu khi xây dựng kịch bản phim đã cho rằng rau củ mà trẻ em trên toàn cầu ghét nhất chắc chắn không ai làm lại súp lơ. Tuy nhiên, khi kịch bản bộ phim được kiểm duyệt tại Nhật Bản, đoàn làm phim mới phát hiện ra rằng, trẻ em Nhật Bản lại có một khẩu vị khác. Lúc này, đạo diễn Pete Doctor đã nói rằng: “Tôi đã học được rằng cũng có lúc nội dung phim chúng tôi khiến khán giả quốc gia khác khó hiểu vì khác biệt văn hóa”. Đây là một điểm cực kỳ quan trọng. Thông qua một vài khảo sát, đoàn làm phim đã nhận ra rằng, trẻ em Nhật Bản không những không ghét súp lơ mà ngược lại còn thích ăn loại rau này, vì vậy đoàn làm phim đã thay thế súp lơ bằng ớt chuông cho phù hợp với khẩu vị bản địa. 

Ở mỗi quốc gia đều có những môn thể thao khác nhau

Một ví dụ khác, đây là lúc bố của Riley đang nhớ lại những ký ức hạnh phúc khi sống tại Minnesota trước khi chuyển về San Fransico. Tuy nhiên tại sao ở phiên bản cho Mỹ, Canada và Nga thì bố Riley lại nhớ về bộ môn khúc côn cầu trong khi đó ở phiên bản quốc tế thì lại được đổi thành bóng đá? Tất nhiên bóng đá là môn thể thao vua trên toàn cầu và ký ức của đại đa số đàn ông trên thế giới sẽ gắn với môn thể thao này nhưng ở Minnesota thì lại khác. Nếu thử tìm kiếm trên Google, kết quả môn thể thao được yêu thích nhất tại Minnesota là khúc côn cầu và cũng thật dễ hiểu tại sao ở những nước có nhiều băng tuyết thì bộ môn này lại được yêu thích như vậy. 

Tiếp theo, tôi xin giới thiệu một cảnh phim được “toàn cầu hóa” xuất sắc của Inside Out nữa. Nếu bạn là khán giả đã xem qua bộ phim này thì chắc hẳn còn nhớ người bạn tưởng tượng ngày ấu thơ của Riley chính là chú voi Bing Bong, người bạn này đã giúp đỡ cho Vui Vẻ (Joy) và Buồn Bã (Sadness) trong vùng ký ức dài hạn có thể quay trở lại Trung khu não bộ. Khi Bing Bong, Vui Vẻ và Buồn Bã cố tìm cách tiếp cận Trung Khu não bộ, đã xuất hiện cảnh Bing Bong dùng vòi voi để đánh vần từng chữ ‘Nguy Hiểm / D-A-N-G-E-R” trên biển báo. Cùng một cảnh nhưng ở 3 phiên bản khác nhau được thể hiện hoàn toàn khác:

Cách giải thích nguy hiểm của Bing Bong trong mỗi phiên bản bao gồm sự Nhận thức về văn hóa (Cultural Awareness) 

Ở phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Pháp, biển báo nguy hiểm chỉ đơn giản được thay đổi ngôn ngữ, tuy nhiên ở phiên bản Israel biển báo không chỉ được dịch sang tiếng Do Thái mà còn thể hiện được sự tinh tế của đoàn làm phim trong việc bản địa hóa bộ phim này. Khác với tiếng Anh, tiếng Pháp hay đại đa số ngôn ngữ được đọc từ trái sang phải, tiếng Do Thái được đọc từ phải sang trái, và trong cảnh này vì Bing Bong dùng vòi voi để đánh vần từng chữ cái nên đoàn làm phim cũng đã chuyển vị trí vòi voi của Bing Bong sao cho di chuyển từ phải sang trái cho phù hợp. Thật ra để tiết kiệm thời gian và chi phí, đoàn làm phim có thể chỉ cần dịch biển báo ra tiếng Do Thái để bản địa hóa (localize) hoặc bỏ cảnh Bing Bong dùng vòi đánh vần là được tuy nhiên theo đoàn làm phim, cảnh này cực kỳ quan trọng. Họ muốn truyền tải một cách chân thực nhất để trẻ em có thể cảm nhận được sự nguy hiểm trong cảnh quay này, vì vậy thay vì lựa chọn bỏ, họ chọn cách giữ nguyên ý tưởng nguyên bản và thêm yếu tố bản địa hóa cho cảnh phim.

2. “Toàn cầu hóa”, nói dễ hơn làm: 

Toàn cầu hóa hiện nay không còn là một cụm từ quá xa lạ, khi chúng ta đang sống trong một thế giới mở và có cực kỳ nhiều cơ hội để mở rộng business ra tầm thế giới. Một khi thực hiện đủ nghiên cứu và phát hiện một thị trường mới có đủ sức hấp dẫn, đủ nhu cầu thì việc mở rộng thị trường ra nước ngoài hiện giờ không còn quá xa lạ cả trong trường hợp sản phẩm công nghệ. 

Tuy nhiên việc “toàn cầu hóa” sản phẩm của bạn không chỉ dừng lại ở việc dịch thuật ngôn ngữ của sản phẩm thành ngôn ngữ bản địa, trên thực tế, công cuộc “bản địa hóa” (localization) sản phẩm cho phù hợp với thị trường mục tiêu của bạn, phức tạp hơn nhiều. Ví dụ, với thị trường Anh và Mỹ, cả hai thị trường này đều dùng tiếng Anh, tuy có vài sự khác biệt trong từ vựng nhưng về cơ bản không cản trở quá nhiều trong giao tiếp. Tuy nhiên khi nhìn về khía cạnh khác như đơn vị tiền tệ, Anh sử dụng bảng Anh trong khi đó Mỹ dùng dollar và thứ tự viết thời gian của Anh và Mỹ cũng khác nhau, ở Mỹ viết theo thứ tự tháng-ngày-năm (mm-dd-yyyy) trong khi đó ở Anh viết theo thứ tự ngày-tháng-năm (dd-mm-yyyy). Còn trong trường hợp Canada, quốc gia này sử dụng cả hai ngôn ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Pháp. Ở Thụy Sĩ, sử dụng cả ba ngôn ngữ tiếng Đức- tiếng Pháp và tiếng Ý. Và tiếng Bồ Đào Nha không chỉ được dùng ở Bồ Đào Nha mà còn được dùng như ngôn ngữ chính lại Brazil. 

Ngoài ra, hơn cả ngôn ngữ, một trong những điều cơ bản của việc “toàn cầu hóa” (globalization) chính là việc tôn trọng văn hóa bản địa của thị trường mà bạn hướng đến. Ví dụ, tuy cùng sử dụng tiếng Anh nhưng văn hóa Mỹ và Anh vẫn có sự khác biệt. Một ví dụ tiêu biểu chính là một cảnh trong bộ phim “Captain America – Winter Solider”, chính là cảnh Captain America nhìn lại danh sách các sự kiện văn hóa mình phải biết sau khi thức dậy từ giấc ngủ dài. Và tất nhiên danh sách sự kiện này trong phiên bản Mỹ và phiên bản Anh hoàn toàn khác nhau.

Dùng sử dụng chung một ngôn ngữ nhưng mỗi quốc gia khác nhau đều mang văn hóa khác nhau. 

Trong phiên bản Mỹ, trong danh sách có các sự kiện văn hóa chính như: “I Love Lucy”, Steve Jobs (Apple), Disco. Trong khi đó ở phiên bản Anh, trong list có: “Sherlocks – TV shows”, The Beatles, chung kết bóng đá World Cup (1966), Sean Connery,… 

3. Các yếu tố toàn cầu hóa (Globalization):

Một số yếu tố cần lưu ý trước khi thực hiện toàn cầu hóa (globalization):

  • Dịch thuật văn bản: chú ý phân biệt số ít/ số nhiều, phân biệt từ vựng thuộc giống đực/giống cái/ trung tính, trong trường hợp là tiếng anh cần lưu ý sự thay đổi của động từ ở ngôi số 1,2 hay 3.
  • Thương hiệu sản phẩm/ dịch vụ: chú ý đến độ dài văn bản, tuân thủ nguyên tắc ngắt dòng, các sắp xếp thứ tự. 
  • Màu sắc, đồ họa, ký hiệu: một số màu sắc ở thị trường bạn định tiến đến có thể mang một số ý nghĩa đặc biệt, ví dụ ở Hàn, màu đỏ được xem là tối kị đặc biệt khi viết tên ai đó bằng mực màu đỏ có nghĩa là muốn trù ẻo họ chết đi, trái ngược ở Việt Nam hay Trung Quốc màu đỏ được xem là màu may mắn. Hoặc ở Mỹ hay Hàn Quốc, xe bus cho trường học thường có màu vàng, còn ở Việt Nam nó không nhất thiết phải có màu vàng. Ngoài màu sắc, chúng ta cũng có thể chú ý đến phương hướng, ví dụ ở Việt Nam chúng ta lái xe về phía tay phải, mở cuốn sách/ truyện đọc theo hướng từ phải sang trái tuy nhiên ở Nhật, họ lái xe về phía tay trái và mở mở cuốn sách/ truyện đọc theo hướng từ trái sang phải.
  • Đơn vị đo lường: chiều dài, khối lượng, đơn vị tiền, cách thể hiện dấu phẩy thập phân (Ví dụ ở Việt Nam viết số tiền 250k là 250.000 VNĐ, tuy nhiên ở Hàn Quốc, 250.000 được hiểu là 250 và 250k phải được viết thành dấu phẩy 250,000 VNĐ),… 
  • Thời gian, ngày tháng: cách biểu hiện giờ là 24h hay theo AM/PM, thứ tự viết ngày tháng, múi giờ, thời gian thay đổi theo mùa hay không (với các nước Bắc Âu) Ngoài ra mặc dù hầu hết các quốc gia đều sử dụng lịch dương, tuy nhiên ở một vài quốc gia châu Á vẫn còn sử dụng lịch âm, việc thể hiện lịch âm/dương cũng cần lưu ý. 
  • Layout của trang: size A4 hay letter
  • Âm thanh: mức âm lượng hoặc vấn đề liên quan đến văn hóa (Ví dụ ở Hàn các điện thoại không tắt được âm thanh khi chụp)
  • Số: tiền, cách viết địa chỉ, hình thức số điện thoại v.v

Chúng ta có thể thấy rằng, việc dịch thuật chỉ là một yếu tố nhỏ trong quá trình thực hiện “toàn cầu hóa” cho sản phẩm của bạn. 

4. Quốc tế hóa (Internationalization – I18N) và bản địa hóa (Localization – L10N):

Khi nhắc đến toàn cầu hóa (Globalization) thì 2 thuật ngữ đi kèm thường được nghĩ đến nhiều nhất chính là quốc tế hóa (Internationalization – I18N) và bản địa hóa (Localization – L10N). 

*I18N: khoảng cách từ chữ cái đầu “I” đến chữ cái cuối “N” có 18 chữ cái nên được viết tắt như trên, tương tự với L10N.

Nhân tiện bài viết này có đề cập đến toàn cầu hóa, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sơ qua sự khác nhau giữa hai thuật ngữ này. 

Đầu tiên, quốc tế hóa I18N sản phẩm có nghĩa là chúng ta cần xây dựng software framework(tạm dịch: khung phần mềm) để sản phẩm/dịch vụ có thể thích nghi với bất kỳ môi trường/ thị trường mới nào sau này một cách tự động/ hoặc bằng nỗ lực tối thiểu nhất của team. Nói một cách đơn giản, I18N là kiến trúc bạn chuẩn bị để hỗ trợ cho sản phẩm có thể hoạt động trong một môi trường mới, ngôn ngữ mới một cách tự nhiên nhất, như thể sản phẩm của bạn vốn dĩ sinh ra dành cho thị trường đó vậy. Ví dụ, một sản phẩm được I18N tốt sẽ hoạt động với sự tôn trọng văn hóa của thị trường đó từ cách biểu thị thời gian, cách sắp xếp thứ tự văn bản, đơn vị đo lường, dù sản phẩm đó đang ở Mỹ, Hàn hay Việt Nam. Như đã nói ở trên nếu ở Mỹ thể hiện ngày giờ theo thứ tự mm/dd/yyyy thì ở Việt Nam chúng ta là dd/mm/yyyy. Tất cả những chi tiết này có thể không quá lớn lao nhưng chúng ta cần chú ý xây dựng sản phẩm/dịch vụ của mình sao cho phù hợp với từng khu vực địa lý để dễ được người dùng ở nơi đó đón nhận hơn. 

Ngược lại, với bản địa hóa L10N, đúng như tên gọi đây là quá trình tạo ra một số đặc điểm mới/ thay đổi sản phẩm sao cho phù hợp với một khu vực địa lý hoặc một vùng văn hóa đặc biệt. Tất nhiên tất cả yếu tố “mắt thấy tai nghe” như hình ảnh hoặc văn bản thường là đối tượng được bản địa hóa nhiều nhất. Ví dụ đối với Nhật Bản sử dụng hệ thống lịch theo niên hiệu của hoàng thất (Một khi thiên hoàng mới lên ngôi niên hiệu sẽ thay đổi, lúc này mọi phần mềm, văn bản in ấn đều phải được thay đổi cho phù hợp với niên hiệu mới). Hoặc như đã đề cập ở trên, tại một số nước châu Á ngoài lịch dương còn sử dụng lịch âm vì vậy khi thể hiện lịch trong sản phẩm cũng cần phải bản địa hóa. 

Một điều quan trọng nữa cần lưu ý, nếu chúng ta không chuẩn bị tốt I18N thì kiến trúc của L10N cũng theo đó mà tệ theo. Điều này có nghĩa là khi phát triển một sản phẩm công nghệ, bạn phải luôn chuẩn bị sẵn một không gian để có thể thực hiện quốc tế hóa I18N tốt, để từ đó khi tiến xa hơn đến mỗi vùng quốc gia với văn hóa đặc biệt thì có thể plug-in những yếu tố bản địa hóa L10N phù hợp với môi trường của quốc gia đó.

Tóm lại, để sản phẩm của bạn có thể tiến xa trên trường quốc tế, thực hiện toàn cầu hóa tốt, bạn cần hòa hợp hai yếu tố quốc tế hóa (I18N) và bản địa hóa (L10N).

Từng giai đoạn của toàn cầu hóa

Cần lưu ý rằng, cốt lõi của việc quốc tế hóa hay bản địa hóa không phải ở việc phân tích, dịch thuật ngôn ngữ mà nằm ở việc hiểu văn hóa của khu vực đó. Nếu không chuẩn bị tư thế để tìm hiểu kỹ về nền văn hóa của thị trường bạn đang hướng đến thì việc quốc tế hóa/ bản địa hóa của bạn dễ trở nên vụng về và sự vụng về đó, một cách tự nhiên, sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của người dùng về sản phẩm của bạn. 

Một chi tiết khác trong phim hoạt hình Pixar tôi muốn chia sẻ để tạo cảm hứng cho các bạn.Với tôi, phân cảnh này là chứng minh rõ nét nhất cho sự chuẩn chỉnh đến từng chi tiết trong quá trình toàn cầu hóa của phim hoạt hình “Soul”.

Một bức tường gồm cái tên của những mentor của nhân vật chính

Phân cảnh trên là khoảnh khắc nhân vật chính 22 đứng trước bức tường tập hợp những tên mentor cho nhân vật chính. Trong bức tường này, bên trên tên của mỗi mentor được đính kèm với lời chào bằng tiếng mẹ đẻ của mentor đó. Từ hello, bonjour, xin chào,.. và có nhiều nhân vật nổi tiếng như Abraham Lincoln với lời chào bằng tiếng Anh, Khổng Tử và tiếng Trung, Picaso với tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy với tấm thẻ tên nhà khoa học nữ Marie Curie phía trên lại được ghi lời chào bằng tiếng Ba Lan, chứ không phải Pháp. Điều này đã ngầm thể hiện rằng quê hương của bà ở tại Ba Lan dù bà dành phần lớn cuộc đời để sống và làm việc tại Pháp. Nếu đoàn làm phim để tên bà dưới lời chào của nước Pháp thì có lẽ khán giả Ba Lan đã không hài lòng. Dù chỉ một chi tiết nhỏ thôi nhưng cũng đủ thấy sự am hiểu về văn hóa và sự tỉ mỉ đến từng chi tiết của đoàn làm phim. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do khiến các bộ phim của Pixar thường gây được tiếng vang lớn trên toàn thế giới. 

Lời kết: 

Với mong muốn có thể khiến khán giả trên thế giới có thể đồng cảm sâu sắc nhất với tác phẩm của mình, đoàn làm phim của Pixar luôn cố gắng nghiên cứu văn hóa của mỗi quốc gia một cách kỹ lưỡng để đảm bảo rằng sản phẩm của mình được bản địa hóa một cách chi tiết nhất. Là một PM, tôi nghĩ đây là điểm rất đáng ngưỡng mộ và học hỏi. Chúng ta cũng cần phải chăm chút và đầu tư cho sản phẩm công nghệ của mình như cách mà Pixar đang làm. Tất nhiên, những nỗ lực này nên được đầu tư ngay từ đầu, phải làm sao thiết kế và chuẩn bị môi trường quốc tế hóa tốt nhất cho sản phẩm để có thể plug-in các yếu tố bản địa một cách dễ dàng. Rất nhiều PM có thể nghĩ quốc tế hóa, bản địa hóa không phải là một điều quan trọng và gắn cho nó mức độ ưu tiên thấp, tuy nhiên nếu bạn thực sự muốn sản phẩm của mình chinh phục được một thị trường mới ngoài thị trường nội địa, bạn cần cho người dùng ở thị trường mới thấy rằng bạn đang cố gắng nghiên cứu để sản phẩm của bạn hòa hợp với họ nhất chứ không phải bắt họ phải hòa hợp với sản phẩm. Và nên nhớ một điều rằng, dịch thuật chỉ là bước khởi đầu của toàn bộ quá trình này. 

Để lại bình luận