Giống như một sĩ tử chuẩn bị bước vào kì thi quan trọng của đời mình thường tìm hiểu cấu trúc đề thi và các câu hỏi thường gặp trước khi bắt tay vào giải đề, trước hết, tôi sẽ liệt kê lại 5 loại câu hỏi thường hay gặp nhất trong các cuộc phỏng vấn PM tại công ty Mỹ. Đây là những câu hỏi được thu thập dựa trên ý kiến đóng góp của những PO, PM chuyển công ty tại Mỹ.

Loại 1: Câu hỏi về Product Design/ Product Sense
“Bạn hãy tạo ra một chiếc máy ATM cho người khiếm thị.”
Ở dạng câu hỏi này nhà tuyển dụng muốn kiểm tra khả năng biến ý tưởng (idea) thành sản phẩm khả thi (actionable tasks) của bạn như thế nào. Những ứng viên có background chuyên về software thỉnh thoảng cũng có thể gặp những câu hỏi về các sản phẩm hardware hoặc không liên quan đến tech.

Loại 2: Product Execution/ Product Metrics
“Trong vai trò là PM của Instagram, bạn hãy liệt kê và giải thích 5 chỉ số KPIs quan trọng nhất phải theo dõi.”
Một trong những yếu tố quan trọng nhất của PM chính là khả năng lập mục tiêu và năng lực quản lý quá trình đạt được mục tiêu đó. Đây là dạng câu hỏi để kiểm tra năng lực thiết lập các chỉ số có thể thể đo lường được thành công của sản phẩm hoặc thành công của team bạn.

Loại 3: Product Strategy
“Hãy chọn quốc gia tiếp theo mà Amazon Prime nên thâm nhập thị trường và hãy giải thích chiến lược thực hiện.”
Thông thường mỗi công ty thường sẽ có team Phát triển Kinh doanh (Business Development) riêng, tuy nhiên PM/PO cũng phải là người có tầm nhìn (vision). Đây là câu hỏi để kiểm tra hiểu biết của ứng viên về thị trường và về tương quan của sản phẩm với các đối thủ cạnh tranh.

Loại 4: Technical /System Design
“Hãy mô tả hệ thống vận hành và thiết kế của thang máy”.
Dù gì thì PM/PO cũng là vị trí cần hợp tác nhiều với các engineer nên dù không trực tiếp coding thì cũng yêu cầu phải hiểu được bức tranh lớn về mặt kỹ thuật: “Mô hình kinh doanh của Uber nhìn trên phương diện kỹ thuật được vận hành như thế nào, hãy thử vẽ sơ đồ hệ thống của mô hình này.”

Loại 5: Behavioral
“Hãy nói về project thất bại nhất bạn từng làm.”
Đây tất nhiên không phải là câu hỏi để hỏi về “kỷ niệm” của bạn, mà để kiểm tra khả năng xử lý tình huống và trình “xoay sở” của ứng viên. Ví dụ như bạn đã ứng phó như thế nào khi các thành viên trong team và bạn xảy ra bất hòa; bạn đã làm cách nào để khắc phục và sử dụng hiệu quả những hạn chế về mặt nhân lực/thời gian/tài chính,…

Với những hạng mục câu hỏi như trên, chúng ta có thể làm gì để trả lời tốt và thể hiện bản thân cũng như năng lực của mình? Dưới đây là một vài tip mà các bạn có thể tham khảo để luyện tập chuẩn bị cho các buổi phỏng vấn. Tôi sẽ chia ra làm 2 phần, một là về mặt chiến lược khi trả lời và hai là thái độ
<< Chiến lược>>
1. Chuẩn bị riêng cho mình một framework khi trả lời phỏng vấn.
Hãy luôn ghi nhớ khi gặp một bài toán yêu cầu bạn đưa ra lời giải, hai từ khóa quan trọng cần nhắm đến đó là các phương án giải quyết và quy trình thực hiện các phương án đó.
Để làm được như vậy, bạn cần phát triển một “quy trình” (process) tư duy để đi tìm lời giải cho cá nhân mình. Khi bạn có sẵn một quy trình tư duy, việc trả lời câu hỏi khó/lạ cũng dễ dàng hơn vì bạn biết phải bắt đầu từ đâu. Và một cái tên khác chính xác hơn dành cho quy trình này chính là “Framework”.
Trên thực tế, cho dù không phải là phỏng vấn đi chăng nữa, ngay cả ngày thường, việc luyện tập đưa ra câu hỏi và trả lời theo “framework” sẽ rèn giũa được khả năng nắm bắt “bản chất” của vấn đề, ngoài ra còn trau dồi thêm insight, hiểu được nhu cầu của người dùng/khách hàng để từ đó lập kế hoạch cho các chức năng mới giải quyết các vấn đề cho người dùng.
2. Luôn nói kèm theo định nghĩa:
Khi các bạn đề cập đến bất cứ điều gì trong câu trả lời của mình, hãy luôn kèm theo một phần giải thích về điều đó. Điều này không những giúp nhà tuyển dụng dễ dàng theo dõi những gì bạn nói mà còn là chứng tỏ rằng bạn hiểu rõ về những gì mình đang trình bày.
Lấy ví dụ như khi ta đề cập đến chức năng chia sẻ video của một mạng xã hội:
Cùng một nội dung “chia sẻ video” nhưng đối tượng là ai, chia sẻ khi nào, chia sẻ video ở đâu, chia sẻ như thế nào và mục đích chia sẻ có thể khác nhau tùy từng mạng xã hội. Khi chia sẻ video ở Facebook, video này sẽ xuất hiện trên profile cá nhân của người dùng còn ở Instagram, video chỉ có thể được chia sẻ lại trên stories hoặc trong inbox. Vì vậy bạn cần giải thích rõ “chức năng chia sẻ video” bạn đang đề cập đến là gì.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý tới tính cô đọng của nội dung muốn truyền tải. Giải thích đầy đủ nhưng cô đọng là một trong những kỹ năng mềm thiết yếu của PM. Nhà tuyển dụng cần thấy được kĩ năng này ở bạn vì PM là một vị trí bận rộn và phải phối hợp với nhiều team chuyên môn khác nhau có kiến thức nền khác nhau.
3. Luôn đề cập nhiều hơn một option cho câu trả lời của bạn:
Thường khi trả lời phỏng vấn, bạn cố gắng đưa ra một giải pháp tốt nhất, tối ưu nhất. Nhưng thực ra nếu bạn nghĩ ra được 3 giải pháp thì bạn nên trình bày cả 3 với nhà tuyển dụng. Trong 3 giải pháp đó, nếu muốn loại giải pháp nào thì chỉ cần nêu kèm lý do tại sao bạn thấy nó không tốt nhất.
Tại sao bạn nên nói hết tất cả giải pháp kèm lý do? Bởi vì đây là cơ hội để cho nhà tuyển dụng thấy độ rộng của lăng kính cá nhân cùng với óc sáng tạo của bạn. Hơn nữa, khi trình bày được chứng cứ thỏa đáng để đi đến phương án tối ưu nhất, bạn vừa thể hiện được khả năng thuyết phục người khác vừa thể hiện được khả năng tư duy phản biện.
<< Thái độ>>
1. Làm chủ cuộc phỏng vấn (một cách khiêm tốn):
Thực ra đây là phần khá khó thực hiện nếu bạn thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên dù ít dù nhiều bạn vẫn nên cố gắng vì đây theo tôi đây là một hành động bắt buộc.
Làm chủ cuộc phỏng vấn không đồng nghĩa với việc bạn “độc thoại” từ đầu đến cuối hoặc hỏi ngược lại nhà tuyển dụng những câu hỏi thừa thãi. Làm chủ cuộc phỏng vấn thực sự chính là cách bạn dẫn dắt nhà phỏng vấn đi theo quá trình tìm ra lời giải chứ không chỉ đơn thuần là đưa ra câu trả lời.
Ví dụ bạn có thể dẫn dắt cuộc phỏng vấn bằng cách hỏi lại nhà phỏng vấn liệu tôi hiểu câu hỏi như thế này có đúng chưa, trong câu hỏi nhà phỏng vấn đưa ra còn thiếu thông tin gì, có thể giải thích thêm về chỗ này không, tôi dự định sẽ trả lời câu hỏi theo framework này,..
Bạn hãy nhớ rằng, nhà tuyển dụng hỏi bạn không phải vì họ không biết câu trả lời mà là để quan sát cách thức bạn tìm ra câu trả lời.
2. Nhanh chóng thừa nhận những phần mình bỏ lỡ hoặc nghĩ chưa đúng:
Trong khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đã đưa ra phản biện về câu trả lời của bạn và lời phản biện đó có vẻ đúng, vậy bạn nên làm gì trong tình huống này?
Đúng là bạn nên thừa nhận, nhưng không nên nói lời xin lỗi rồi cho qua mà nên thảo luận với nhà tuyển dụng rằng bản thân đã bỏ qua phần nào, bạn đồng ý với phần nào trong lời phản biện của nhà tuyển dụng và phần nào bạn không đồng ý, để đạt được đáp án chính xác hơn thì có thể xem xét thêm những phần nào.
Đây là cơ hội để thể hiện tính cách khiêm tốn và khả năng bảo vệ quan điểm cá nhân. Bạn đừng vội hoảng sợ mà hãy nắm bắt cơ hội này để tạo cú lội ngược dòng ghi thêm điểm cho mình.

Lời kết:
Những chia sẻ của tôi có lẽ không thể nào bao quát được hết quy trình phỏng vấn đầy khó khăn cho vị trí PM nhưng tôi hy vọng rằng qua bài viết này, ít nhất bạn cũng hình dung mình nên chuẩn bị gì và nên luyện tập như thế nào để cải thiện chất lượng câu trả lời của mình. Mong các bạn có thể vượt qua vòng phỏng vấn để đến với vị trí mơ ước.
Từ Careerly:
Nhằm giúp độc giả dễ mường tượng về vòng phỏng vấn của PM, Careerly xin gửi bạn đoạn video ngắn về mock interview cho vị trí PM của Facebook.
Để chuẩn bị kiến thức chuyên môn cho phỏng vấn PM, bạn có thể tham khảo post tổng hợp các kiển thức về Product Management từ Careerly: PM101 – Product Management cho người mới
One comment