Bản tin Careerly #1
Thứ Sáu, ngày 4 tháng 12 năm 2020
Về Gus Bahng:
Product Lead tại PayPal/Venmo, từng làm việc cho các công ty, tập đoàn công nghệ lớn khác như Booking.com Group, Priceline.com và LinkedIn.
How would you improve Youtube? Bạn sẽ cải thiện Youtube như thế nào?
“Hiện tại để cải thiện Youtube thì bạn nghĩ đâu là tính năng quan trọng và cấp thiết nhất cần thay đổi?” hoặc là, “App hoặc web yêu thích của bạn là gì và có điểm gì cần được cải thiện?”. Chắc mọi người cũng từng gặp những câu hỏi dạng này rồi. Thường thì khi chuẩn bị cho những câu hỏi như thế này, nhiều người sẽ tập trung vào việc đưa ra được giải pháp ngay lập tức. Nhưng thật ra, quan trọng hơn là trong câu trả lời, bạn đưa ra được một framework (chiến lược) gồm từng bước tiếp cận vấn đề trước khi đưa ra giải pháp cải thiện cụ thể. Cá nhân tôi thì sử dụng 4 bước tiếp cận vấn đề như sau cho câu trả lời:

1. Xác định mục tiêu
Mục đích của việc cải thiện sản phẩm này là gì?
Vì hướng phát triển của sản phẩm có thể thay đổi tùy vào mục đích, chẳng hạn như tùy vào mục đích là để tăng lượng người dùng hay tăng doanh thu (chẳng hạn từ quảng cáo) thì sẽ cần những giải pháp khác nhau, nên bạn cần có cái nhìn toàn diện về mục tiêu cần đạt trước khi đưa ra giải pháp cải thiện.
Nếu là tôi, khi nhận được câu hỏi trên thì để câu trả lời đi đúng hướng, đầu tiên tôi thường sẽ trao đổi với người phỏng vấn về mục tiêu cụ thể mình cần đạt được từ việc cải thiện sản phẩm.
2. Xác định vấn đề khiến người dùng không hài lòng (điểm đau của khách hàng – pain points)
Hiện tại chúng ta cần giải quyết điểm đau nào của khách hàng?
Sau khi xem xét vấn đề từ vị trí của công ty để xác định mục tiêu cần đạt được, điều quan trọng kế tiếp cần làm là đặt mình vào vị trí của khách hàng. Khi giải quyết vấn đề của một sản phẩm, nhiều người chỉ tập trung vào sản phẩm mà bỏ qua khách hàng. Bạn nhất định không được mắc sai lầm này. Dù mục tiêu là để tăng lượng người dùng hay tăng doanh thu thì để đạt được mục tiêu đó, bạn nhất định phải hiểu được những vấn đề mà khách hàng đang gặp phải.
Riêng tôi thì thường tìm thông tin thực tế về các điểm đau của khách hàng trong lĩnh vực công nghệ bằng cách đọc review trên App Store của những app tôi hay sử dụng hoặc xem các đề xuất cải thiện UX/UI trên mạng. Dù bạn làm ở lĩnh vực khác thì vẫn hoàn toàn có thể áp dụng việc tìm đọc review thực tế của người dùng để thu thập thông tin về những điểm đau còn tồn tại trong ngành.
3. Sẵn sàng đưa ra được hơn 10 đề xuất
Thật lòng mà nói thì để đưa ra 10 đề xuất cải thiện không phải là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, nếu thường xuyên luyện tập thì việc này hoàn toàn là chuyện khả thi. Hơn nữa, mục đích của việc luyện tập như vậy không phải là để đưa ra số lượng đề xuất càng nhiều càng tốt mà mà là để duy trì tư duy sáng tạo. Khi phỏng vấn, có thể hội đồng phỏng vấn đã hài lòng với câu trả lời của bạn rồi nhưng nhiều khi họ vẫn cố tình hỏi “Ngoài ra bạn còn có đề xuất cải thiện nào khác không?” hoặc “Bạn có ý tưởng nào khác nữa không?”. Chính vì lẽ đó, bạn cần tập củng cố câu trả lời của mình bằng cách đưa ra nhiều đề xuất và nhiều cách tiếp cận vấn đề.
Trong buổi phỏng vấn, bạn có thể không cần phải kể ra được 10 đề xuất cải thiện, nhưng phải luôn sẵn sàng đưa ra được hơn 10 đề xuất nếu được hỏi. Tôi luyện tập bằng cách tự đưa ra đề xuất cải thiện cho những vấn đề tôi gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Dù là chỉ trong 10s đi thang máy, tôi cũng tự hỏi có điểm gì có thể cải thiện và tự đưa ra đề xuất.
4. Đánh giá mức độ ưu tiên cần giải quyết
Thật ra chìa khóa giải quyết câu hỏi phỏng vấn dạng này ngoài khả năng khai thác những điểm đau của khách hàng để đưa ra đề xuất cải thiện thì cũng gồm khả năng đánh giá mức độ ưu tiên giữa những vấn đề cần giải quyết. Vì trong thực tế, ngoài xem xét các yếu tố như chi phí và lợi ích thì cũng cần phải cân nhắc các vấn đề liên quan như nợ công nghệ (technical debt – việc chọn các giải pháp dễ áp dụng thay vì các giải pháp tối ưu (khó áp dụng hơn về mặt chuyên môn)), độ khó thực hiện hoặc yêu cầu của cổ đông để có thể đưa ra một bản kế hoạch đề xuất cải thiện mà công ty có thể tiến hành ngay hôm sau mà không phải lo về các vấn đề phát sinh.
Tôi rèn cho bản thân khả năng đánh giá mức độ ưu tiên bằng cách tự tạo ra một bảng đánh giá mức độ ưu tiên cần giải quyết cho các vấn đề mình gặp phải và luôn mang nó theo bên mình.
Nói chung, khi được hỏi câu này, nhiều người thường chú ý vào việc đưa ra tính năng cần cải thiện (what) và đi lệch trọng tâm, nên thay vào đó nếu bạn tập trung vào cách cải thiện vấn đề (how) thì tôi tin rằng bạn có thể tự khiến chính mình bất ngờ với những đề xuất hay không ngờ.
Lời cuối, tôi muốn gửi đến bạn một nguồn đọc thêm có giá trị về chủ đề chuẩn bị cho phỏng vấn từ blog của Lewis Lin. Điểm đặc biệt ở blog của Lewis Lin là anh ấy chia sẻ về lộ trình chi tiết các bước chuẩn bị cho phỏng vấn vào vị trí product manager ở các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Amazon và Google. Bạn có thể tìm đọc thêm blog của Lewis Lin tại đây.
2 comments