
1. Product before Growth
DoorDash là ứng dụng giao đồ ăn chiếm thị phần 45% ở Mỹ. Tony Xu, founder của DoorDash khi còn là sinh viên ở đại học Stanford đã tạo ra một website giao đồ ăn tên là Palo Alto Delivery. Cái tên này ngoài dễ hiểu vì ý trên mặt chữ, nó cũng giúp Tony tiết kiệm được chi phí marketing và growth hack. Khi có người muốn tìm dịch vụ giao hàng ở Palo Alto, họ sẽ tìm cụm từ “Palo Alto delivery” trên các công cụ tìm kiếm và website của Tony sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, bài học ở đây không phải là việc đặt tên sản phẩm một cách thông minh để tiết kiệm chi phí, mà là việc Tony đã tìm cách để tạm gác việc marketing và growth hack để tập trung vào sản phẩm trước. Tôi từng có một chia sẻ trên bản tin về vấn đề các startup nóng vội growth hack trước khi định hình được sản phẩm, bạn có thể xem lại tại đây.
2. Minimum Viable Product (MVP)
MVP (Sản phẩm khả dụng tối thiểu) có thể hiểu nôm na là phiên bản rút gọn của sản phẩm.
DoorDash khi còn là Palo Alto Delivery không liên kết với nhà hàng hay thuê tài xế. Tony Xu tự nhận đơn, đi lấy đơn và đi giao, và Palo Alto Delivery chỉ giao vào khoảng thời gian cậu không phải lên lớp, cụ thể là khung giờ cao điểm (12:00 tới 13:30, 17:30 tới 20:00) lúc bữa trưa và bữa tối.
Vì là một phiên bản rút gọn của sản phẩm, Tony có thể tự phát triển, quản lý Palo Alto Delivery và kiểm chứng thực tế các giả thuyết về thị trường và sản phẩm mà không vượt quá khả năng của một sinh viên đại học.
3. Customer Insights
Trước khi DoorDash xuất hiện thì các công ty lớn đã nhăm nhe thị trường giao đồ ăn. Các chuỗi nhà hàng lớn như Domino đã có hệ thống giao hàng riêng còn các công ty vận tải lớn như FedEx cũng đang dòm ngó thị trường này.
Nhưng điều họ không có là insight trực tiếp, dã chiến của Tony. Từ trước khi tạo ra Palo Alto, Tony đã xin đi làm tài xế giao hàng và phỏng vấn các chủ nhà hàng để tìm ra vấn đề (pain points) cần giải quyết. Founder của một startup giao hàng khác là Kim Bong Jin của Baemin Hàn Quốc cũng từng làm điều tương tự.
Lời kết:
Khi bàn về startup, người ta thường có cảm giác là thành công của startup đều quy về những con số (Chi phí sở hữu khách hàng (CAC), Giá trị vòng đời khách hàng (LTV) và các dạng đơn vị kinh tế (Unit Economics) nói chung). Với góc nhìn đó, mô hình kinh doanh ban đầu của cả DoorDash và Airbnb – hai công ty startup kì lân vừa IPO khá thành công gần đây, đều rất yếu và không có tương lai. Tự nhận đơn, tự giao hàng như Tony hay đi chụp hình phòng cho chủ nhà như Airbnb rõ ràng là không hiệu quả, không thể nào mở rộng (scale) được. Nhưng chính những việc làm không có tương lai, không scale được này đã tạo ra nền tảng cho tương lai và sức scale khủng của những công ty startup kì lân (unicorn startup) này. Airbnb học được những vấn đề mà chủ nhà gặp phải khi sử dụng airbnb, DoorDash học được những khó khăn của tài xế lẫn nhà hàng để tạo nền móng cho DoorDash.
Thành công của DoorDash là minh chứng cho lời khuyên không lỗi thời của Paul Graham dành cho các startup mới thành lập – do things that don’t scale, mà bạn có thể đọc thêm ở đây.
5 comments