Chuyện nghề: Từ sinh viên ngành Software Engineering đến Senior Product Designer.

Posted by

Trong chuyên mục “Chuyện Nghề” ngày hôm nay, Careerly rất vui khi được trò chuyện cùng anh Hoàng Quang Minh, hiện đang là Product Design Consultant cho các startup công nghệ. Careerly đã rất ấn tượng về con đường sự nghiệp đầy thú vị của anh, với xuất phát từ sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm, hiện nay anh đã là một Senior trong ngành Product Design.
Nếu bạn muốn đọc thêm những chia sẻ của anh Minh về sự nghiệp cá nhân nói riêng và ngành công nghệ nói chung, bạn có thể tải ứng dụng Careerly Vietnamtheo dõi anh Minh tại trang cá nhân của anh. 

Careerly (C): Lời đầu tiên, rất cảm ơn anh Minh đã dành thời gian phỏng vấn cùng Careerly ngày hôm nay. Mời anh giới thiệu qua về bản thân cho độc giả của Careerly được biết ạ. 

Anh Hoàng Quang Minh (M): Chào mọi người, anh là Hoàng Quang Minh. Hiện tại, chủ yếu anh đang làm cố vấn về thiết kế sản phẩm cho một số startup. Hồi học đại học thì anh học về Kỹ thuật phần mềm (Software Engineer), nhưng trong thời gian khi còn là sinh viên anh cũng đã có kinh nghiệm làm thiết kế. Và từ năm 2017 khi anh tốt nghiệp đại học thì anh bắt đầu làm chuyên về UX/UI Design.

C: Câu chuyện từ một học sinh chuyên Hóa, đến sinh viên ngành kỹ thuật phần mềm, và cuối cùng là Product Designer được anh chia sẻ trên ứng dụng Careerly khiến đội ngũ Careerly rất ấn tượng, cũng như được nhiều người dùng ứng dụng Careerly yêu thích. Vậy thông qua lần phỏng vấn lần này, anh có thể chia sẻ thêm điều gì đã khiến anh quyết định trở thành Designer từ background như vậy được không? 

M: Thực ra thì câu chuyện chọn ngành, chọn nghề của anh dựa vào  “duyên” khá nhiều. Từ nhỏ, anh đã đam mê vẽ vời.  Khi lên cấp 3, tuy học chuyên Hóa nhưng anh không thi được học sinh giỏi Hóa, nên anh chuyển sang đội tuyển học sinh giỏi Tin học, và từ đó bén duyên với ngành  lập trình. Nhờ thế, anh được nhận học bổng của đại học FPT về ngành kỹ thuật phần mềm. Khi ấy, anh cũng khá phân vân không biết nên đi học phần mềm hay thiết kế vì anh thích cả hai  , nhưng anh nghĩ anh có thể tự làm, tự học thiết kế được nên anh đã chọn học phần mềm. 

Tuy nhiên, đến khi anh đi thực tập làm developer thì anh lại thấy công việc này không phù hợp với  bản thân. Anh lại rơi vào ngã ba đường, nếu anh làm designer thì sẽ bỏ phí 4 năm học đại học, mà nếu làm đúng ngành thì anh sẽ cảm thấy rất bí bách, không làm được lâu. Lúc ấy, cơ duyên là ngành UX/UI Design bắt đầu phát triển ở Việt Nam, nên anh liền nắm bắt cơ hội. Đến giờ, đã vào ngành được 5 năm thì anh nghĩ đây là lựa chọn phù hợp dành cho mình. Nó vừa cho anh được làm đúng đam mê, sở thích mà anh vẫn có thể sử dụng được những kiến thức mà anh đã học từ đại học. 

C: Vậy anh có thể giải thích thêm tại sao anh lại thấy công việc lập trình không phù hợp lắm so với bản thân anh, và khi anh chuyển sang làm UX/UI anh lại thấy phù hợp hơn không? 

M: Thực ra, lý do chính là vì anh rất thích thiết kế, sáng tạo nhưng đi thực tập làm Frontend Engineer thì anh lại phải làm theo thiết kế của người khác, nhiều lúc anh cảm thấy thiết kế không được tối ưu hoặc không được bắt mắt nhưng anh lại không thể sửa chữa. Vậy nên, anh chuyển sang làm UX/UI Designer, vì công việc này làm anh cảm thấy vui hơn khi anh được trao quyền chủ động, kiểm soát giao diện của dự án. 

C: Trong bài viết gần đây của anh trên Careerly, anh đã chia sẻ về những lợi thế của một sinh viên ngành kỹ thuật phần mềm khi chuyển ngành sang UX/UI Design. Vậy còn những khó khăn và thiếu sót thì sao? Anh đã phải chuẩn bị thêm những gì để chuyển ngành sang UX/UI Design? 

M: Về khó khăn thì thứ nhất, khi so với các bạn học thiết kế 4 năm, được làm rất nhiều dự án trên trường, thì một người tay ngang như anh đương nhiên sẽ không có nhiều kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực hành như các bạn. Thế nên anh phải đăng ký đi học thêm những khóa học nền tảng căn bản về thiết kế. Ngoài ra, anh đọc sách nhiều hơn, anh học hỏi, quan sát các UX/UI Designer khác đang làm như thế nào để nhanh chóng tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Từ đó, anh cũng có thể thấy được mình có thế mạnh ở mảng nào để tập trung đầu tư vào mảng đó hơn. Một điều thuận lợi khi anh làm UX/UI Design là công việc này không quá đòi hỏi năng khiếu hội họa, nghệ thuật như Graphic Design, mà nó thiên về tư duy logic, kỹ năng thấu hiểu người dùng, làm nghiên cứu khoa học,.. Vì vậy, anh chỉ cần học thêm kiến thức nền tảng về Design là đã đủ để anh tiến vào ngành rồi, sau đấy mình có thể học thêm, nâng cao kỹ năng từ những kinh nghiệm, dự án mình làm việc. 

**Tải app và đọc thêm chia sẻ của anh Minh về “Những điều mà lập trình viên làm thiết kế sẽ phải cải thiện để tốt hơn” tại link này

C: Vậy không có tấm bằng đại học chuyên ngành Design, anh đã chuẩn bị CV hay portfolio như thế nào để tìm kiếm công việc đầu tiên ở vị trí Designer?

M: Như anh có chia sẻ lúc đầu, trong thời gian anh học đại học, anh đã có kinh nghiệm làm Graphic Designer tự do, nhận thiết kế logo, banner hay một số sản phẩm graphic khác cho các công ty. Nên nhìn chung cá nhân anh không quá thiếu các sản phẩm thiết kế để cho vào portfolio. Ngoài ra thì một người junior không thể lúc nào cũng có thiết kế đẹp, nổi bật, thường anh cũng xem người ta làm sao thì mình làm lại tương tự để mình học kỹ thuật thôi. Tới khi phỏng vấn, anh cũng thành thật với nhà tuyển dụng là “Thực sự em chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng em mong muốn được học hỏi”, đó mới là điều nhà tuyển dụng đánh giá cao ở một người junior, vì họ biết những bạn nào có tinh thần học hỏi sẽ có nhiều cơ hội tiến xa hơn trong công việc. 

C: Trong suốt quá trình phát triển sự nghiệp cho đến hiện tại, anh liên tục lựa chọn làm việc tại nhiều startup công nghệ ở nhiều ngành nghề. Có lý do gì đặc biệt khiến anh nhiều lần chọn công ty startup như vậy không ạ?

M: Anh thường lựa chọn startup đơn giản là vì ở startup những giai đoạn đầu chưa có gì cả thì anh sẽ có thể nhiều cơ hội thực hành nhiều thứ, cơ hội tự học, tự khám phá ra nhiều điều mới lạ hơn. Nếu mình là một người ham học hỏi, thích tự học thì làm ở startup sẽ giúp cải thiện kỹ năng của mình rất nhanh. Tuy nhiên khi mới vào nghề thì anh sẽ lựa chọn những startup có team design, có người leader giỏi. Sau đó, khi trở thành một người senior cứng tay rồi, anh có thể tự làm tất cả mọi thứ, hay biết cách tự học rồi thì anh có thể vào bất cứ startup nào kể cả ở những giai đoạn sơ khai nhất.

Còn với các công ty lớn thì thường các quy trình đã được thiết kế và sắp xếp sẵn rồi, nên công việc của mình sẽ dễ bị một màu, tức là ngày nào cũng sẽ chỉ làm một số công việc đấy thôi. Anh cũng đã đi làm những công ty lớn rồi và anh cảm thấy nó không phù hợp với anh vì nó không có nhiều thử thách cho anh như làm ở startup. 

C: Chắc hẳn có nhiều bạn đọc của Careerly cũng khá tò mò về một ngày làm việc của một Product Designer, không biết anh có thể chia sẻ một ngày làm việc của bản thân được không? 

M: Hiện tại thì anh vẫn là remote designer nên anh thường làm ở nhà và không mất thời gian di chuyển. Thông thường, anh sẽ bắt đầu ngồi vào bàn làm việc vào khoảng lúc 9h. Đầu ngày thì thường trước khi vào công việc chính anh sẽ check task trên công cụ quản lý task sau đó có daily meeting với team. Về công việc chính của một Product Designer thì sẽ không chỉ có ngồi mở Figma lên vẽ, mà mình sẽ cần đi nghiên cứu người dùng, và có thể cần phải nghiên cứu cả những tài liệu trên mạng hay sử dụng những ứng dụng của đối thủ để nghiên cứu đối thủ, xem họ có những gì mình có thể áp dụng được hay có những gì mình cần phải tránh. Sau đó, anh sẽ giao tiếp với các team để nhận requirement, rồi bắt đầu vẽ, vẽ xong thì bàn giao cho team dev làm, hoặc giao tiếp với team dev để thông suốt những phần mình phối hợp với họ làm. Ngoài ra, vì anh cũng nhận công việc freelance nữa nên sau khi kết thúc công việc chính và ăn tối, anh sẽ tiếp tục làm những công việc của freelancer như trả lời email khách hàng, báo giá, v.v. 

C: Vậy anh có gặp khó khăn gì khi vừa phải làm công việc trên công ty và dự án bên ngoài không? Anh đã khắc phục những khó khăn ấy như thế nào? 

M: Khó khăn nhất thì có lẽ là quỹ thời gian. Một ngày vẫn chỉ có 24 tiếng thôi và anh sẽ phải chia ra cho khá nhiều dự án, và đôi khi sẽ có một số dự án thời gian họp hành có thể bị trùng nhau. Cho nên anh phải sắp xếp, quản lý thời gian rất cẩn thận để tránh trường hợp bị trùng thời gian mà không giải quyết được công việc của một bên. 

Về kỹ năng để có thể làm được công việc freelance hiệu quả thì thứ nhất, bạn phải nâng cao kỹ năng công việc có thể làm tất cả mọi thứ nhanh chóng hơn, từ đó bạn sẽ có nhiều thời gian để làm nhiều việc hơn. Thứ 2 là khi tốc độ làm việc của mình đã tăng lên rồi thì mình phải sắp xếp thời gian làm việc sao cho hiệu quả, làm sao để mình không bỏ trống một khoảng thời gian nào mà mình có thể giải quyết được công việc. Việc này sẽ cần kỹ năng lên kế hoạch và hiểu bản thân để xem lên kế hoạch như thế nào cho phù hợp với khả năng của mình. Kỹ năng thứ 3 anh thấy cũng khá quan trọng là kỹ năng phân tách công việc, vì khi bạn làm nhiều dự án song song thì đôi khi bạn sẽ bị nhầm lẫn giữa các dự án, và đôi khi “sai một li là đi một dặm” đó. 

C: Ngoài kinh nghiệm làm việc tại startup trong nước, anh cũng có kinh nghiệm làm startup ở nước ngoài. Vậy anh thấy môi trường và trải nghiệm của anh tại startup Việt Nam và nước ngoài có gì khác biệt không? Anh thấy ưu và nhược điểm của mỗi bên là gì?

M: Đầu tiên, công ty Việt Nam thì không có khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa nên đương nhiên mình sẽ dễ thích nghi, hòa nhập với công việc và công ty hơn.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt ở startup nước ngoài so với startup Việt Nam đó là business model (mô hình, ý tưởng kinh doanh). Trong khi các startup Việt Nam thường làm lại những business model đã thành công thì anh thấy các startup nước ngoài thường có những business model khá mới, và thậm chí là có những ý tưởng mà 5 năm trong nghề anh chưa gặp bao giờ luôn. Ví dụ như gần đây, anh có biết đến một startup đầu tư vào rượu Whiskey trên nền tảng blockchain hay một số startup bán chứng chỉ về năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời bằng NFT/blockchain. Vậy nên làm ở startup nước ngoài giúp anh mở mang, biết được nhiều ý tưởng hay kiến thức thú vị ở nhiều lĩnh vực mới hơn. 

Nhìn chung, anh nghĩ khác biệt này cũng xuất phát từ lý do khách quan về nguồn vốn. Do đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khá hạn chế so với nước ngoài, nên founder người Việt sẽ thường chọn những thứ an toàn, những thứ chắc chắn nhất trong việc có lợi nhuận và vận hành công ty để làm ý tưởng startup. Còn với nguồn vốn vững vàng hơn, các founder nước ngoài thường sẽ có tư duy táo bạo, sẵn sàng khám phá những ý tưởng mới lạ và chấp nhận rủi ro thất bại hơn. 

C: Vậy trong quá trình phỏng vấn cho công ty nước ngoài thì anh thấy các bạn junior có cần lưu ý điều gì không ạ? 

M: Anh thấy có một điểm này mà chính bản thân anh cũng phải chú ý. Đó là thông thường anh thấy người Việt theo văn hóa châu Á thì sẽ hay ngại khoe chi tiết những gì mình làm, ngại quảng cáo giá trị của bản thân. Nhưng các nhà tuyển dụng người nước ngoài sẽ rất muốn nghe mình nói ra tất cả điểm mạnh của mình, tất cả những thứ mình làm được để họ có thể đánh giá mình được tốt nhất. 

Cá nhân anh cũng từng đi phỏng vấn một công ty nước ngoài và nhận được feedback sau khi phỏng vấn là, anh vẫn còn chưa nói được chi tiết về những gì anh đã làm được, đóng góp và sức ảnh hưởng của anh với những dự án anh đã làm. Anh chỉ mới liệt kê được cho họ là anh đã làm những dự án này, dự án kia, nhưng chưa cho họ thấy được hết khả năng của anh qua những dự án đó đến đâu và anh có thể sử dụng những kinh nghiệm anh đã tích lũy được để giúp ích cho công ty họ như thế nào. 

Từ đó, anh thấy mình thể hiện bản thân, miêu tả những gì mình làm được một cách càng chi tiết thì sẽ càng dễ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, đặc biệt là khi bạn phỏng vấn những vị trí càng cao, đòi hỏi càng nhiều kiến thức, kỹ năng. Đương nhiên, mình sẽ không nói quá lên những thứ mình không làm được, nhưng những thứ mình đã làm được thì mình phải biết cách để có thể thể hiện hết được chúng ra một cách ấn tượng và đáng nhớ với nhà tuyển dụng. Và đó là thứ mà anh nghĩ khá nhiều người ở Việt Nam thường hay không để ý. 

C: Theo anh, một thiết kế sản phẩm tốt cần có những yếu tố nào? 

M: Với thiết kế sản phẩm thì anh thấy có 3 điểm chính cần lưu ý. Thứ nhất, sản phẩm phải giúp người dùng giải quyết được nhu cầu của họ mà sản phẩm hướng đến. Ví dụ, ứng dụng networking như Careerly thì người dùng phải kết nối, tương tác được với người khác, đọc viết bài đăng được; hay ứng dụng ngân hàng thì phải có những bước cơ bản như chuyển tiền, gửi tiết kiệm, rút tiền,… Yếu tố nền tảng thứ 2 là sự tin cậy, tức là người dùng không phải chỉ sử dụng sản phẩm đó một lần là bỏ, mà họ tiếp tục sử dụng được sản phẩm vào tất cả những lần họ cần giải quyết nhu cầu đó. 

Anh nghĩ những sản phẩm có 2 yếu tố nền tảng này sẽ đạt được khoảng 80% của sản phẩm tốt. 20% còn lại thì anh sẽ đặt cho sự hứng thú khi sử dụng sản phẩm. Đây cũng là một yếu tố quan trọng, nhưng sản phẩm phải có 2 yếu tố kia trước thì chúng ta mới xét đến yếu tố này. Sự hứng thú này có thể đến từ nội dung của sản phẩm, từ thiết kế, từ sự mượt mà khi sử dụng sản phẩm, nhìn chung lúc nào dùng sản phẩm mình cũng thấy vui chứ không phải buồn bực. Vậy đó là 3 yếu tố để thiết kế được một sản phẩm tốt, 2 yếu tố đầu tiên là điều kiện cần, còn yếu tố thứ 3 gọi là điều kiện đủ.

** Để đọc chi tiết hơn về các yếu tố của một sản phẩm tốt, các bạn có thể tải app Careerly và đọc bài viết của anh Minh tại link này

C: Anh có một case/sản phẩm công nghệ nào mà anh đặc biệt yêu thích / hứng thú trong ngành Product không? 

M: Anh đặc biệt hứng thú một sản phẩm là ví tiền điện tử Rainbow. Ví tiền điện tử này ra sau khá lâu so với các ví tiền điện tử khác, nhưng nó lại đạt được khá nhiều điều làm nên một sản phẩm tốt. Thiết kế sản phẩm cực kỳ đẹp và mượt mà. Đặc biệt, thiết kế làm cho anh cảm thấy rất vui khi sử dụng, từ từng cái hiệu ứng, cái emoticon nhỏ, đều góp phần tạo ra khác biệt cho sản phẩm so với các ví tiền điện tử thông thường. Tuy là một sản phẩm về fintech, tài chính nhưng Rainbow lại mang những không khí cực kỳ khác biệt. Nhưng điều này cũng không làm giảm sự tin cậy của nó, những thứ liên quan đến con số, tiền bạc thì họ làm vẫn rất chuẩn chỉnh. Vậy anh nghĩ khi sản phẩm đã hoạt động tốt và đáng tin cậy rồi thì nếu thiết kế lại thêm yếu tố vui vẻ, thú vị nữa thì nó sẽ không chỉ là 20% cuối mà có thể tăng 200% sự yêu thích của người dùng với sản phẩm luôn!

C: Trong chu trình thiết kế sản phẩm, anh nghĩ bước nào là quan trọng nhất? Anh nghĩ Product Designer cần chú ý những gì để thực hiện bước này thành công? 

M: Anh nghĩ bước quan trọng nhất trong quá trình xây dựng, thiết kế một sản phẩm là Problem Statement – bước chúng ta xác định vấn đề mà sản phẩm này giải quyết cho người dùng. Vì phải xác định vấn đề đúng thì chúng ta mới tìm được những người dùng sử dụng sản phẩm này để giải quyết vấn đề của họ, và sản phẩm của chúng ta mới có thể đem đến lợi ích thực sự cho người dùng. Nhưng nếu mình xác định vấn đề sai, thì dù cho sản phẩm có 3 yếu tố anh nói ở trên thì người ta cũng không có lý do gì để sử dụng sản phẩm của mình hết. Vậy nếu ngay từ đầu không xác định được đúng vấn đề thì dù có làm tốt các bước sau thì sản phẩm vẫn sẽ dễ thất bại mà thôi.

Để có được Problem Statement đúng thì đầu tiên chúng ta phải hiểu về thị trường. Thứ 2, chúng ta phải biết hiện tại đối tượng người dùng mà chúng ta hướng đến đang sử dụng những giải pháp nào để giải quyết vấn đề, và còn vấn đề gì mà những giải pháp hiện tại chưa giải quyết được hay không. Từ đó, mình sẽ tìm được các ngách, các lỗ hổng còn thiếu để sản phẩm chen vào thị trường và có nhiều cơ hội thành công hơn trên thị trường. 

C: Trong một team sản phẩm thì Developer và Product Designer thường có mindset khác biệt và dễ dẫn đến những bất đồng. Anh đã từng gặp những vấn đề như vậy bao giờ chưa? Nếu có, anh có thể chia sẻ một số tips riêng của bản thân anh để giải quyết những bất đồng này và dung hòa với Developer không? 

M: Anh rất hay gặp những vấn đề như vậy. Vì background, công việc khác nhau nên mong muốn của Designer và Developer (Dev) cũng khác nhau, từ đó rất dễ dẫn đến bất đồng. 

Để giải quyết những bất đồng này thì đầu tiên về giải pháp tạm thời cho tình huống đó, mình nên bình tĩnh lùi lại để hiểu đối phương hơn. Khi có bất đồng thì ai cũng có lý có lý do riêng của mình hết, nên mình cần tìm hiểu xem lý do của Dev là gì, và với những thứ Designer làm ra thì những lý do đó có xác đáng hay không. Đôi khi, là Designer thì anh sẽ không hiểu được tất cả những công việc của Dev làm, anh sẽ không biết được có thể thiết kế của mình quá phức tạp để làm trong quỹ thời gian mà Dev có. Khi ấy, anh sẽ cần lắng nghe yêu cầu, khó khăn của bên Dev để điều chỉnh thiết kế cho phù hợp và hoàn thành công việc đúng kế hoạch.

Thứ 2, về lâu về dài, để hạn chế mâu thuẫn thì đương nhiên là mình phải thân thiết với đồng nghiệp của mình, vì càng thân, càng hiểu nhau thì sẽ càng dễ phối hợp tốt. Ngoài công việc ở công ty thì mình nên tích cực trò chuyện bên ngoài công việc, chia sẻ về cuộc sống, sở thích của nhau. Riêng anh thì anh rất dễ tìm được tiếng nói chung với Developer, vì anh cũng có kinh nghiệm làm Dev rồi, anh biết được anh cần phải nói những gì và phải làm như thế nào để làm thân được với Dev. Và đó là cách để anh có thể tránh được những bất đồng về lâu về dài. 

C: Anh có thể chia sẻ về một dự án thiết kế sản phẩm đáng nhớ nhất mà anh đã từng làm không? Tại sao với anh nó lại là đáng nhớ nhất?

M: Dự án anh ấn tượng nhất thì có lẽ là dự án anh làm cho Trung tâm xét nghiệm y khoa Diag. Thực ra dự án đó không phải dự án phát triển ứng dụng cho người dùng cuối mà là cho bác sĩ. Khi anh vào Diag làm thì dự án vẫn còn ở trong giai đoạn lên ý tưởng rất sơ khai. Và đây cũng là một lĩnh vực hoàn toàn mới với chính bản thân anh. Anh chưa tham gia lĩnh vực y tế bao giờ nên thậm chí anh cũng không biết bác sĩ họ đang làm việc như thế nào, và đặc biệt ngành xét nghiệm lại có càng nhiều các bên và thủ tục liên quan mà anh chưa bao giờ tìm hiểu. 

Thế là lúc đó anh đã phải dành thời gian đi hẹn gặp các bác sĩ để hỏi chuyện trực tiếp, tìm hiểu xem họ đang làm việc như thế nào, họ đang dùng các công cụ gì để hoàn thành công việc. Các bạn có thể thấy là nhiều bác sĩ giờ họ vẫn viết tay để lưu giữ, truyền đạt mọi thông tin như các chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán,… Vậy để dự án thành công, team anh phải thiết kế sản phẩm làm sao để có thể thuyết phục được các bác sĩ là dùng điện thoại sẽ nhanh như dùng giấy và có thể thay thế được giấy. Đặc biệt, với những người bác sĩ càng già thì tốc độ sử dụng điện thoại càng chậm hơn. Vậy thì team anh phải cố gắng làm sao để vừa đẩy mạnh những lợi ích của việc sử dụng điện thoại, vừa làm cho tốc độ của nó không được quá thua kém so với việc viết giấy, thì mới có thể thuyết phục được các bác sĩ sử dụng sản phẩm của mình. 

Sau khi anh đã phỏng vấn khá nhiều và có hiểu biết sơ sơ về ngành làm xét nghiệm rồi thì anh và team mới bắt tay vào phát triển sản phẩm. Lúc ấy lại phát sinh một vấn đề nội bộ khác là team Dev của Diag khi ấy họ vẫn dùng Sketch, nhưng anh lại không muốn dùng Sketch bởi vì nó quá chậm, anh đã đổi sang và quen dùng Figma được 2 năm rồi. Thế là anh phải đi thuyết phục chị Product Manager cùng cả team Dev đổi qua Figma, anh phải cho họ thấy được chuyển sang dùng Figma có nhiều điểm lợi cho họ như thế nào để thuyết phục được họ. Thế là suốt 1-2 tháng, anh làm thiết kế trên Figma và bàn giao cho mọi người, cũng như hướng dẫn mọi người sử dụng, làm quen với Figma. Chuyển sang dùng Figma xong thì team cũng thấy  dùng thích thật, nó nhanh gọn và giải quyết được nhiều vấn đề hơn. Và thế là anh đã chuyển đổi thành công team Sketch thành team Figma. 

Và như vậy, dự án này trở thành dự án đáng nhớ nhất của anh vì anh đã làm được 2 điều mà anh khá tự hào. Đầu tiên là anh đã làm được một sản phẩm từ đầu cho đến lúc nó ra thị trường, và thứ 2 là anh đã thuyết phục được cả một team đang dùng quen công cụ này chuyển qua công cụ kia mà họ gần như không hề phàn nàn gì. 

C: Wow, để có thể chuyển đổi mindset như vậy cũng không phải là một chuyện đơn giản mà anh có thể làm trong vòng 1-2 tháng như vậy là quá đỉnh luôn. 

M: À anh làm như vậy được 2 lần với 2 team khác nhau luôn đó. Trước Diag thì anh có làm cho một công ty khác, khi anh vào thì sản phẩm cũng đã được thiết kế rồi, nhưng thiết kế của nó lại chưa được tối ưu, gây ra khá nhiều vấn đề trong việc vận hành. Team này thì không dùng Sketch mà họ dùng Adobe XD. Và cách các bạn Designer bàn giao thiết kế còn rắc rối hơn ở chỗ, thay vì gửi file XD thì các bạn gửi file PDF cho Dev, và Dev phải tự đo, áng chừng tất cả những thông số kích thước, khoảng cách của các thiết kế đó. 

Thế là khi anh vào làm, anh mới ý kiến là thiết kế app như vậy chưa được tối ưu và phải thiết kế lại từ đầu. Anh cũng bắt đầu thiết kế trên Figma và gửi link cho mọi người xem thử. Rồi anh cũng bắt đầu thuyết phục Developer là đây, bây giờ anh làm pdf thì anh sẽ không làm được cái này, cái kia, không pick màu được, không tự động có kích thước chuẩn được và xuất code css này kia cũng không được luôn, nên anh phải chuyển qua Figma đi. Vì anh đã làm frontend nên anh biết việc implement design trong code nó như thế nào, anh cũng biết dùng PDF khó đến mức nào, nên anh sẽ biết cách để nói được cho Dev thấy sự tiện lợi khi mà dùng Figma. Case này thì dễ hơn case kia là vì điểm yếu của PDF quá rõ ràng, nên anh chỉ cần đưa ra một công cụ tốt hơn là mọi người sẽ muốn sử dụng thôi. 

C: Anh cảm thấy công việc Product Designer đã mang lại cho anh những giá trị gì?

M: Công việc này đã mang lại cho anh rất nhiều điều. Đầu tiên là sức khỏe tinh thần, bởi vì anh đang được làm công việc mà mình rất thích, nên gần như anh không cảm thấy mệt mỏi gì cả. Một ngày anh có thể làm việc 10, 12 tiếng, hay thậm chí có những ngày anh làm 15 tiếng luôn, T7 – CN hay thậm chí là ngày lễ anh cũng có thể làm. Anh thấy mỗi ngày được làm việc là một ngày vui. 

Thứ 2 là khi làm nghề này anh có cơ hội kết nối với rất nhiều người giỏi, làm lâu năm ở trên thị trường, cả Việt Nam lẫn quốc tế. Khi biết được những câu chuyện của họ, anh cũng học được  nhiều thứ. Anh nghĩ một trong những lý do mà anh có thể làm nghề đến tận bây giờ là anh được rất nhiều anh chị lớn dẫn dắt. Khi vòng tròn quan hệ của mình được mở rộng ra thì mình cũng có thể tiếp cận được với rất nhiều cơ hội mới để phát triển nghề nghiệp. 

Ngoài ra, như anh có nói ở trên, khi làm Product Designer, anh có thể sử dụng được những kiến thức anh học được ở đại học. Vì vậy, tuy anh làm trái ngành nhưng anh không hề lãng phí tất cả những gì anh học được ở 4 năm đại học. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, hiện tại nghề Product Designer là một nghề có thu nhập tốt so với mặt bằng chung, vì nó cũng là một nhánh của ngành công nghệ thông tin, và cũng được hưởng lợi từ xu hướng thị trường đang chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.

À, còn một điều nữa là chắc phải làm trong ngành này thì anh mới biết đến nền tảng Careerly, nơi anh được chia sẻ về ngành nhiều hơn, và ngược lại cũng được học hỏi nhiều hơn từ mọi người. Anh có một nơi mà anh biết là những nội dung mình viết ra sẽ được đón nhận và chia sẻ. Điều này trở thành động lực để anh viết nhiều hơn, từ đó anh lại có thể thường xuyên hệ thống lại kiến thức và phát triển bản thân tốt hơn. 

Tải ứng dụng Careerly tại đây để tham gia “cho đi và nhận lại” kiến thức, thông tin ngành công nghệ cùng anh Minh và nhiều anh chị khác trong ngành!

C: Đội ngũ Careerly cũng đã đọc những bài viết mà anh chia sẻ trên ứng dụng, và thấy dù từ khi đi học tới khi đi làm anh có background tự nhiên, nhưng anh viết nội dung cũng rất tốt. Không biết anh có luyện tập hay học viết ở đâu không? 

M: Tuy anh background tự nhiên nhưng ngày trước anh học văn cũng khá tốt. Anh nghĩ khả năng viết của anh đến từ việc anh đọc rất nhiều từ khi còn nhỏ. Hồi ấy thì anh đọc sách, giờ thì anh đọc báo, đọc các bài đăng trên mạng xã hội. Từ đó, anh trau dồi vốn từ, học hỏi cách trình bày, triển khai ý từ những người khác, dần dần anh cũng hình thành một phong cách viết riêng cho mình. Nhìn chung, anh thấy việc học thụ động cũng rất quan trọng. Mình thích cái gì mà mình nghiên cứu nhiều về nó thì  kiến thức sẽ tự động đi vào đầu mình nhiều hơn, dù mình có thể không ý thức được, nhưng đến lúc mình cần đến thì kiến thức vẫn sẽ tự hiện ra.  

C: Anh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ cũng muốn dấn thân vào ngành Product Design không? 

M: Đầu tiên, ngành Product Design hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có trường lớp đào tạo chuẩn chỉnh, nên nếu muốn theo đuổi ngành này các bạn phải tự học rất nhiều. Khi mà mình chưa có nhiều kiến thức thì mình phải đọc thật nhiều, nếu thấy bất kỳ kiến thức nào mới thì mình phải tiếp thu, quan sát, nếu có thắc mắc thì phải hỏi để hiểu sâu hơn về những kiến thức đó. Có thể ban đầu không phải cái gì mình đọc được cũng đúng, nhưng khi đạt được một lượng nào đó thì bạn mới có thể phân biệt được cái nào là kiến thức tốt, có thể áp dụng, cái nào là kiến thức không tốt, có thể đã lỗi thời rồi. Đặc biệt, ngành công nghệ biến đổi rất nhanh, có những điều hôm nay đúng nhưng có thể hôm sau đã sai rồi, nên việc luyện đọc, đọc nhiều, đọc nhanh và tiếp thu được nhiều là rất quan trọng. 

Sau khi có kiến thức rồi thì bạn cũng cần thực hành nữa. Làm càng nhiều dự án thực tế thì các bạn sẽ càng biết được kiến thức của mình còn hổng ở phần nào, còn cần bổ sung thêm cái gì. Từ đó, các bạn sẽ biết mình cần học thêm cái gì để bổ sung đúng kiến thức và ngày càng tiến bộ hơn. Nhìn chung, trong ngành Product Design nói riêng và ngành công nghệ nói chung, anh nghĩ điều quan trọng nhất là các bạn phải liên tục học hỏi, thực hành càng nhiều càng tốt. Còn đâu, sẽ không có một quy chuẩn nào tồn tại được lâu trong ngành này. Chỉ có việc liên tục update bản thân, cũng như app liên tục được update vậy, mới có thể trụ lại và tiến xa được trong ngành.

C: Cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện cùng Careerly. Hy vọng thông qua bài phỏng vấn này, độc giả của Careerly sẽ được truyền cảm hứng từ nhiệt huyết và tấm lòng yêu nghề của anh Minh.


 🤞🏻 Bạn có thể đọc nhiều chia sẻ của anh Minh hơn trên Careerly App 🤞🏻

Click để xem trang cá nhân của anh Minh

Để lại bình luận