Trong số Chuyện Nghề lần này, Careerly rất vinh dự được trò chuyện cùng anh Lê Anh Tú, Senior Product Manager tại Zalo về chặng đường phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực Product của anh. Hy vọng những chia sẻ chân thật từ anh Tú có thể tiếp lửa cho các bạn độc giả đang muốn theo đuổi ngành nghề đầy tiềm năng này.
Careerly (C): Chào anh Tú, rất cảm ơn anh đã nhận lời tham gia phỏng vấn cùng Careerly hôm nay. Đầu tiên, anh có thể giới thiệu một chút về bản thân anh với độc giả của Careerly không?
Anh Lê Anh Tú (T): Chào các bạn, mình tên Tú, hiện tại mình đang làm Senior Product Manager tại Zalo. Mình tốt nghiệp chuyên ngành Điện – Điện tử ở ĐH Bách Khoa TP. HCM và bắt đầu sự nghiệp với vai trò là một kỹ sư AI. Sau đó, mình chuyển hướng sang lĩnh vực Product Management và gắn bó đến tận ngày hôm nay.
C: Được biết anh từng có thời gian làm Research Assistant về AI tại Đài Loan. Anh có thể chia sẻ thêm về trải nghiệm này không?
T: Việc thực tập trong khoảng thời gian đó là một yêu cầu bắt buộc trong ngành mình học ở trường, tuy nhiên thay vì lựa chọn thực tập ở công ty Việt Nam, mình thử sức ứng tuyển làm trợ lý nghiên cứu cho một bác giáo sư (mình gọi là thầy Lie, thầy cũng là hiệu trưởng của một trường Đại học có tiếng về mảng công nghệ ở Đài Loan). Mình cũng không ngờ là mình được chọn và sau đấy mình đã có cơ hội đầu tiên đến Đài Loan. Đó là lần đầu tiên mình được ra nước ngoài và mình đã học hỏi được khá nhiều điều trong giai đoạn này.
Điều mình ấn tượng nhất là mình gặp được một số người bạn khác (đến từ Thái, Indonesia, Malaysia) và bất ngờ phát hiện là có một vài bạn mặc dù chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến dự án các bạn tham gia nghiên cứu tại đây, nhưng các bạn vẫn mạnh dạn ứng tuyển, sau đó vừa làm tới đâu các bạn sẽ vừa học hỏi tiếp. Sau này, mình mới biết tiêu chí lựa chọn ứng viên của giáo sư là tìm những bạn có tinh thần chủ động trước, chịu khó học hỏi, thậm chí có thể bạn đó chưa cần phải quá giỏi về kiến thức.
C: Bắt đầu phát triển sự nghiệp ở lĩnh vực AI, cơ duyên nào lại khiến anh chuyển sang làm PO?
T: Khi mới bắt đầu phát triển sự nghiệp, thực ra mình còn không biết có công việc này. Khi ấy là năm 2017, mình có tham gia cuộc thi Zalo Hackathon và may mắn đạt giải quán quân. Nhưng điều mình nhớ mãi là ngay khi mình hoàn thành phần thuyết trình cho vòng chung kết, có một chị HR nói với mình là chị thấy mình rất hợp để làm Product, sau ngày hôm đấy mình cũng về tìm hiểu vị trí này như thế nào. Mình rất biết ơn chị vì đã giúp mình tìm ra được hướng đi phù hợp. Đó là lí do mình bắt đầu và quyết tâm phát triển sự nghiệp này.

C: Dựa trên kinh nghiệm thực tế của anh có thể giới thiệu kỹ hơn cho bạn đọc của Careerly làm PM là làm gì không ạ? Và theo anh, để làm được công việc này thì các bạn trẻ cần chuẩn bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng gì?
T: Ở trong lĩnh vực Product Management sẽ có nhiều vị trí và cấp độ cũng tăng dần từ chiến thuật tới chiến lược. Ban đầu bạn sẽ bắt đầu là một Product Owner và chịu trách nhiệm riêng cho một tính năng nào đấy của sản phẩm, nhiệm vụ của bạn là phải nắm thật chắc tính năng đấy, tìm ra được các vấn đề cần giải quyết xoay quanh tính năng này, sau đó phối hợp với các bên liên quan (điển hình là bạn sẽ được làm việc với team Dev, Design) để xây dựng giải pháp, thực thi một cách hiệu quả và gắt hái được những chỉ số, tối ưu trải nghiệm người dùng một cách tốt nhất.Về sau khi bạn đã tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm nhiều hơn thì dần chuyển sang làm Product Manager, cao hơn là Product Director, lúc này vai trò của bạn sẽ tập trung vào việc định hướng sản phẩm, phát triển tổ chức nhiều hơn.
Lời khuyên của mình với các bạn trẻ khi bước chân vào lĩnh vực này là khoan hãy nhìn vào những thứ to lớn, vĩ đại, mà hãy rèn luyện những kĩ năng, học hỏi những kiến thức cơ bản nhất (nhưng phải nắm thật chắc) mà một người làm sản phẩm cần có. Đó là kiến thức về thiết kế trải nghiệm, phân tích dữ liệu, thấu cảm người dùng. Bên cạnh đó là kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm.
C: Với background về kỹ thuật, AI, anh thấy mình có những thuận lợi và khó khăn gì khi chuyển sang làm Product? Anh đã giải quyết những khó khăn đó như thế nào?
T: Về thuận lợi thì vì mình đã nắm ít nhiều về technical nên mình cảm thấy việc trao đổi với các bạn Dev cũng dễ dàng hơn, nhưng chỉ biết về tech thôi thì chưa đủ. Thời gian đầu quả thật rất khó khăn với mình. Do xuất phát điểm là dân kỹ thuật nên mình không có nhiều lợi thế và hiểu biết về design, business, user experience, data analysis. Ngoài chuyện rút kinh nghiệm nhanh trong quá trình làm việc và học hỏi trực tiếp từ các anh chị senior thì mình dành khá nhiều thời gian thông qua việc tự đọc sách, blog, xem khóa học trực tuyến (trên Udemy, Coursera) xoay quanh lĩnh vực Product Management. Dần dần thì mình cũng đã đúc kết ra được những kiến thức, kinh nghiệm riêng cho bản thân và cảm thấy tự tin hơn.
Mình nghĩ ai cũng sẽ gặp khó khăn cả, ví dụ mình từng chứng kiến một số bạn có background về thiết kế thì sẽ gặp khó khăn về kỹ thuật hay background về data analysis nên thường bị khô khan, khó thấu cảm được với người dùng. Cho dù vậy nếu thực sự chịu khó chủ động học hỏi, mình tin rằng bất kì ai cũng sẽ hiểu và nắm bắt được các kiến thức, kỹ năng để trở thành một PM giỏi hơn.
C: Anh cảm thấy thị trường, tiềm năng của các vị trí PO, PM tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại so với khi anh mới bước vào ngành này có thay đổi gì không?
T: Mình nhận thấy các công ty công nghệ bắt đầu chú trọng nhiều hơn trong việc đầu tư vào trải nghiệm người dùng trên các sản phẩm của họ, do vậy vị trí của PO, PM ở tổ chức trở nên ngày càng quan trọng hơn. Ban đầu có thể nhiều người nghĩ đơn giản PO/PM chỉ làm những việc như lên specs mô tả tính năng của sản phẩm hay theo dõi tiến độ làm việc của Dev. Nhưng thực tế không chỉ đơn giản vậy. Hãy tưởng tượng công ty sẽ tốn bao nhiêu chi phí như thế nào nếu như họ phát triển những sản phẩm, tính năng mà chẳng có ai cần hoặc muốn dùng nhưng rất khó khăn. Chưa kể thị phần có thể bị đánh mất khi người dùng rời bỏ do sản phẩm kém chất lượng, điều này sẽ ngày càng gay gắt hơn ở những công ty sở hữu các sản phẩm công nghệ do người dùng đang ngày càng có nhiều sự lựa chọn thay thế. Và PO, PM chính là người chịu trách nhiệm và luôn nỗ lực tìm cách giải quyết các vấn đề của người dùng, từ đó góp phần định hướng chiến lược kinh doanh thông qua sản phẩm của công ty.
C: Các độc giả của Careerly chắc hẳn sẽ tò mò về công việc của những con người đứng đằng sau product công nghệ nổi tiếng tại Việt Nam như Zalo sẽ như thế nào. Anh có thể chia sẻ về một ngày làm việc của mình tại Zalo không?
T: Tùy vào từng giai đoạn trong năm mà có thể có những ngày mình dành nhiều thời gian cho việc ưu tiên các hoạt động lập kế hoạch, báo cáo phân tích, xây dựng chiến lược cho sản phẩm trong dài hạn.
Còn lại nhìn chung những ngày thường mình sẽ tập trung vào 3 nhóm công việc chính: một là theo dõi, đánh giá chất lượng sản phẩm hiện tại thông qua các chỉ số, hai là đảm bảo tiến độ phát triển những tính năng theo đúng kế hoạch và ba là nghiên cứu các vấn đề của người dùng (có thể phỏng vấn trực tiếp họ hoặc thông qua sự hỗ trợ từ team User Research) đồng thời thiết kế giải pháp cùng các bên liên quan để giải quyết các vấn đề.
C: Sản phẩm, tính năng anh đang quản lý là gì và mục tiêu hiện tại mà team của anh đang hướng đến là gì?
T: Trước đây mình chịu trách nhiệm trong việc quản lý và phát triển tính năng gọi thoại, gọi video trên ứng dụng Zalo, sau hơn 3 năm mình đảm nhận vai trò này thì đến nay dựa vào những chỉ số sản phẩm, nghiên cứu thị trường mà team đo được thì có thể xác định là tính năng đã gặt hái được những thành công nhất định. Hiện tại, do trong những năm vừa rồi xuất hiện nhiều vấn đề xoay quanh dịch COVID-19, nên mục tiêu của team mình đang là xây dựng các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân Việt Nam một cách tốt nhất trong giai đoạn khó khăn này.

C: Một điều anh thích nhất về môi trường làm việc tại Zalo?
T: Điều mình thích nhất đó là tinh thần quyết liệt, quyết tâm làm một điều gì đó tại đây. Ở Zalo tụi mình gọi đó là tinh thần “aggressive”. Cũng nhờ tinh thần này mà mình luôn cố bước ra khỏi vùng an toàn để làm những điều mà trước nay mình nghĩ là không thể. Có một câu mà mình rất thích: nếu muốn bạn sẽ tìm cách, nếu không bạn sẽ tìm lí do. Với công việc của một người làm sản phẩm như mình cũng vậy, nếu thực sự muốn giải quyết vấn đề này, mình sẽ cố gắng tìm giải pháp để giải quyết nó.
C: Anh có một case/sản phẩm công nghệ nào mà anh đặc biệt hứng thú trong ngành Product không? (ở trong hoặc/và ngoài nước?)
T: Chà, thật khó để lựa chọn một sản phẩm hay một casestudy nào đấy khiến mình cảm thấy hứng thú nhất vì mỗi sản phẩm đều có câu chuyện riêng mà mình có thể học hỏi được từ họ. Nhưng nếu sự lựa chọn đến từ trải nghiệm cá nhân của mình thì mình sẽ luôn nhớ tới những nội dung thông báo của ứng dụng Gojek.
Thực sự ban đầu mình hơi bất ngờ khi thấy được những thông báo này ngay trên điện thoại của mình vì cảm giác hình ảnh, ngôn từ mà họ sử dụng khiến mình thấy thoải mái, thân thiện và có chút gì đấy hóm hỉnh. Ngay cả khi thỉnh thoảng mình không đặt được đơn hàng hoặc gặp lỗi nào đấy, cách thể hiện của họ trong UX Writing đều khiến mình cảm thấy dễ hiểu, dễ chịu.
Theo mình, điều họ làm tốt nhất ở đây đó là họ đã chạm được tới cảm xúc người dùng và thay thế những ngôn từ, hình ảnh máy móc trước đấy trở thành những thông điệp gần gũi, như một người bạn đang nói chuyện với mình vậy. Về sau mình đọc được một bài viết từ anh Head of UX Writing của Gojek mới biết quá trình họ thực hiện điều đó như thế nào.
(Bạn có thể xem bài viết đó tại link này)
C: Anh cảm thấy công việc Product đã mang lại cho anh những gì?
T: Điều mình cảm thấy hạnh phúc nhất đó là những gì mình và đội nhóm đang tạo ra thực sự tác động và giúp ích rất nhiều tới cuộc sống của nhiều người dùng Việt Nam. Mặc dù khi làm công việc này thì mình thường xuyên phải theo dõi và nhìn vào số liệu mỗi ngày, nhưng kết quả không chỉ thể hiện ở những con số khô khan mà còn từ những phản hồi của người dùng. Dĩ nhiên có phản hồi tích cực thì cũng sẽ có những phản hồi tiêu cực, nhưng mình thường coi đó là cơ hội để tiếp tục tìm hiểu thêm về các vấn đề mà người dùng đang gặp phải.
C: Anh có lời gì cuối cùng muốn gửi đến các bạn trẻ hiện tại đang quan tâm tìm hiểu hay mới bước chân vào lĩnh vực Product Management?
T: Với mình Product Management là một lĩnh vực thú vị nhưng cũng đầy thử thách. Nếu bạn đang quan tâm, chuẩn bị hoặc mới bước chân vào lĩnh vực này thì ngoài kiến thức, mình hi vọng bạn sẽ rèn luyện thêm 3 tố chất cần có để trở thành một PM xuất sắc sau đây:
- Một tư duy rành mạch, logic, rõ ràng
- Một trái tim rung cảm được trước nỗi đau của người khác
- Một tinh thần kiên định, bền bỉ, dám thất bại và học hỏi nhanh
Có thể đó là chưa đủ nhưng với mình đây là 3 tố chất quan trọng mà mình tin rằng nó sẽ giúp bạn phát triển nhanh hơn trong sự nghiệp.
C: Cảm ơn anh vì những chia sẻ đầy giá trị về sự nghiệp dành cho những bạn trẻ đang quan tâm đến Product Management. Chúc anh và các sản phẩm của Zalo sẽ gặt hái thật nhiều thành công trong chặng đường tương lai.
🤞🏻 Bạn có thể giao lưu trực tiếp với anh Tú trên Careerly App 🤞🏻
Click để xem trang cá nhân của anh Tú
