“Chuyện Nghề” đã quay trở lại với một trong những người dùng nổi bật nhất trên Careerly App – anh Đinh Công Bình, Data Analytics Manager tại One Mount Group, cùng những chia sẻ của anh về ngành Data.
Nếu bài phỏng vấn làm bạn hứng thú muốn giao lưu, trao đổi thêm với anh Bình, bạn có thể tải ứng dụng Careerly Vietnam về máy và theo dõi anh Bình tại link trang cá nhân của anh được đính kèm ở cuối bài phỏng vấn.
Careerly (C): Chào anh Bình, rất cảm ơn anh đã nhận lời tham gia phỏng vấn cùng Careerly hôm nay. Đầu tiên, anh có thể giới thiệu một chút về bản thân anh với độc giả của Careerly không?
Anh Đinh Công Bình (B): Chào mọi người, anh là Bình. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành Business Analytics and Management Science tại University of Southampton và về Việt Nam, hiện anh đang làm tại One Mount Group ở vị trí Data Analytics Manager và trước đó là Samsung SDS. Anh cũng từng có 1 thời gian làm Data Scientist trong lĩnh vực banking.

C: Careerly được biết khi còn học đại học anh đã học chuyên ngành kinh tế. Vậy với background này, anh thấy mình có lợi thế và khó khăn gì khi chuyển ngành sang Data, và với những khó khăn thì anh đã khắc phục chúng như thế nào?
B: Các bạn sinh viên kinh tế có kiến thức về cách vận hành của các lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp các bạn dễ dàng hiểu được vấn đề của doanh nghiệp, tổ chức, từ đó tìm được các giải pháp dựa trên dữ liệu & nghiệp vụ phân tích. Đồng thời, hầu hết các bạn sinh viên kinh tế có tư duy logic tốt, nhanh nhạy trong việc tiếp thu những kiến thức mới. Bên cạnh thói quen đọc, ngoại ngữ tốt cũng là một lợi thế của các bạn vì càng làm nhiều, các Data Analyst, Data Scientist, Data Engineer,…càng phải đọc nhiều tài liệu, và hầu hết các tài liệu chuyên môn trong ngành này đều từ nguồn nước ngoài.
Tuy nhiên, sẽ có những khó khăn mà các bạn cần vượt qua trong giai đoạn đầu, ví dụ như lựa chọn giữa nhiều nhánh nhỏ của Data như Data Engineer, Data Analyst, Data Scientist, Data Governance, etc; hay phải làm quen với các công cụ, phần mềm cần thiết cho quá trình làm việc. Để vượt qua những khó khăn ban đầu này, anh nghĩ các bạn fresher nên tìm hiểu trước về kiến thức ngành, tham gia các khóa học nâng cao kĩ năng, và tuyệt vời nhất là tìm được một mentor trong ngành.
C: Anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ cũng có quan tâm đến Data nhưng lại học hơi trái ngành, đặc biệt là những bạn cũng học ngành kinh tế như anh không?
B: Anh không nghĩ sinh viên kinh tế làm Data là trái ngành. Các bạn có đầy đủ hiểu biết về các doanh nghiệp, kỹ năng phân tích định lượng, và tiềm năng học tập. Lời khuyên của anh là đừng giới hạn bản thân vì mình là sinh viên kinh tế, rất có thể các bạn chưa hiểu hết tiềm năng của mình đâu. Hãy tìm định hướng, học tập và nâng cao kỹ năng mỗi ngày phù hợp với ngành mà bạn theo đuổi.
C: Anh có thể giải thích rõ hơn cho các bạn trẻ mới tìm hiểu Data về sự khác nhau giữa Data Scientist và Data Analyst không?
B: Hiện nay, tùy doanh nghiệp mà role and responsibilities của Data Analyst (DA), Data Scientist (DS) được xác định khác nhau. Nhìn chung, DA sẽ tìm ra data insight dựa trên việc mô hình hóa & tổng hợp dữ liệu, trực quan hóa dữ liệu, xây dựng dashboard, báo cáo liên quan, còn DS sẽ tìm ra data insight dựa trên các phân tích chuyên sâu, mô hình hóa dữ liệu, áp dụng Machine Learning, Deep Learning, etc. để xây dựng các mô hình dự báo. Nhưng từ góc nhìn của anh, 2 vị trí này có rất nhiều điểm tương đồng trong công việc & kĩ năng. 1 DA nên có hiểu biết về các kĩ năng của DS và ngược lại.

C: Một điều về công việc Data Scientist / Data Analyst mà anh nghĩ mọi người thường “lầm tưởng”?
B: Anh thấy mọi người thường có khá nhiều lầm tưởng về công việc này, nhưng phổ biến nhất là có nhiều người nghĩ muốn làm Data Scientist thì phải là Thạc sĩ/Tiến sĩ. Thực tế, nhiều Data Scientist không cần bằng cấp để secure công việc của mình. Việc học cao chỉ là một cách để cho nhà tuyển dụng thấy rằng chúng ta có khả năng nghiên cứu.
C: Theo anh, để có thể làm tốt công việc của một Data Scientist / Data Analyst cần chuẩn bị những kiến thức / kỹ năng gì nhất?
B: Nhất thì hơi khó chọn và tùy từng ngành/thời điểm, bộ skill set của một data practitioner có thể khác nhau. Tuy nhiên, dưới đây là 6 skill clusters mà Diễn đàn Kinh tế thế giới đưa ra trong 1 báo cáo gần đây. Cá nhân anh thấy nhiều Data Scientist/Data Analyst giỏi đều có những kỹ năng này.

C: Anh thường trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng cho công việc bằng cách nào? Anh có thể recommend một vài nguồn đọc/học cho bạn đọc của Careerly được không?
B: Các bạn làm Data , kể cả anh có thể tìm kiếm kiến thức thông qua 2 nguồn: từ chính công việc của mình và đọc thêm thông tin, tài liệu bên ngoài. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều cách để học Data, ví dụ như:
- Tham gia các khóa học (ở các trường đại học, các khóa đào tạo chuyên môn, các trang web như Coursera, Udemy, DataCamp, etc.). Một số công ty cũng cung cấp/tài trợ cho nhân viên tham gia học nâng cao chuyên môn
- Tham gia các cuộc thi
- Hoặc tham gia các cộng đồng chia sẻ, trao đổi thông tin, kiến thức như Careerly cũng là một cách để update kiến thức thực tiễn 😀
C: Với 7 năm kinh nghiệm làm Data, anh thấy thị trường việc làm cũng như nhân lực trong ngành Data hiện tại ở Việt Nam có gì thay đổi so với thời gian đầu anh mới vào nghề không? Anh nhận định tiềm năng của ngành này trong tương lai sẽ như thế nào?
B: Hiện nay, các công ty coi trọng và ứng dụng data hơn trước rất nhiều. Anh thấy số lượng và chất lượng nhân sự cao hơn hẳn so với tụi anh ngày trước. Trong quá khứ, đã từng có những người kiếm sống bằng việc đi bật tắt đèn đường một cách thủ công (lamplighters). Nhưng với sự phát triển của các hệ thống đèn điện, công việc quản lý, duy trì đèn đường đã thay đổi rất nhiều. Với Data cũng vậy, trong tương lai, anh nghĩ dữ liệu sẽ ngày càng có nhiều ứng dụng trong đời sống, đặc biệt là với sự dẫn dắt của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Số lượng nhân sự làm Data trong các doanh nghiệp sẽ ngày càng tăng, sẽ có những công việc, vị trí mới được tạo ra trong các doanh nghiệp này.

C: Làm ở vị trí Manager thì chắc anh đã có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn tuyển dụng các vị trí cho team Data Analytics. Vậy một ứng viên có thể gây ấn tượng với anh thường sẽ thể hiện những tố chất như thế nào?
B: Đầu tiên chắc chắn là kiến thức chuyên môn rồi. Nhưng bên cạnh đó, anh nghĩ bất kì một người phỏng vấn nào, không kể ngành nghề, đều sẽ ấn tượng với một ứng viên cầu tiến, thể hiện được tiềm năng phát triển trong tương lai. Với một ngành thay đổi nhanh như Data thì anh nghĩ yếu tố này càng quan trọng. Còn về cá nhân, anh sẽ chú ý thêm các ứng viên thích đọc và có tiếng Anh tốt.
C: Công việc Data đã mang lại giá trị cho bản thân anh?
B: Đầu tiên, công việc này cho anh được làm việc mà mình thích. Khi làm data, anh được học những điều mới mỗi ngày và làm những công việc ít bị trùng lặp. Bên cạnh đó, anh được gặp rất nhiều người bạn/đồng nghiệp tài năng và thú vị. Hay như việc được gặp team Careerly và cùng các bạn trò chuyện thế này cũng là một sự tình cờ mà nếu không làm Data thì chưa chắc anh đã có cơ hội này😊.
C: Careerly cũng rất vinh dự và cảm ơn anh vì đã nhận lời trò chuyện cùng Careerly ngày hôm nay. Hi vọng có thể giao lưu, trao đổi với anh nhiều hơn nữa thông qua Careerly App.
🤞🏻 Bạn có thể giao lưu trực tiếp với anh Bình trên Careerly App 🤞🏻
Click để xem trang cá nhân của anh Bình
