Nếu bạn vẫn chưa rõ về MVP (Minimum Viable Product – Sản phẩm Khả dụng Tối thiểu), bạn có thể xem lại một bài viết cũ của Careerly về MVP tại đây.

Tại sao một startup cần MVP trước khi ra mắt sản phẩm chính thức? Theo Eric Ries đã định nghĩa trong cuốn The Lean Startup, MVP chỉ mang những chức năng cốt lõi nhất – những chức năng quyết định sản phẩm khả dụng hoặc đáng tiền, thông qua MVP các startup có cơ hội để sớm thu hút sự quan tâm từ người dùng, nhận feedback từ họ để nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm hơn. Vì vậy, nhiệm vụ to lớn nhất của MVP chính là một phép thử để xem sản phẩm của công ty có đủ thu hút và thời gian phát hành MVP cũng là thời gian để công ty ‘học’ nhiều hơn nhằm mục đích hiểu hơn về khách hàng, thị trường.
Để giúp bạn đọc dễ hình dung một MVP ‘chất lượng’ là như thế nào, trong bài viết này, Careerly sẽ giới thiệu các ‘kỳ lân’ công nghệ Airbnb, Uber và Spotify khi còn là những startup non trẻ thì họ đã phát hành MVP của mình như thế nào.
1. Airbnb:

Airbnb là startup ‘kỳ lân’ xây dựng thành công một mô hình kinh doanh mới (paradigm) sánh vai cùng với Uber, tuy hiện tại đang gặp khó khăn do dịch bệnh hoành hành nhưng không thể phủ nhận sự thành công trong thời kỳ hoàng kim của Airbnb trước đây. Airbnb không sở hữu bất kỳ một khách sạn nào nhưng startup này lại tạo nên giải pháp kết nối khách sạn, nhà nghỉ quy mô lớn tầm cỡ thế giới. Airbnb có điểm mạnh ở chỗ: một là, đơn giản hóa sự phức tạp và lạ lẫm khi phải đặt phòng nghỉ khi du lịch tại vùng đất xa lạ, hai là, không những đơn giản mà chi phí đặt phòng thông qua Airbnb cũng phải chăng và chất lượng cũng không quá tồi.
Vậy Airbnb đã có khởi đầu như thế nào để có thể đạt được thành công như ngày nay?
Airbnb bắt đầu với một trang có style giống blog nhưng có thêm chức năng đặt chỗ online, và khi ấy ‘khách sạn’ đầu tiên để khách đặt chỗ chính là phòng khách của căn hộ giá rẻ mà 2 founder Airbnb đang thuê, mục đích ban đầu của họ chỉ đơn giản là tiết kiệm tiền thuê nhà. Mô hình siêu đơn giản này cũng có 3 vị khách đầu tiên đặt chỗ và họ bố trí thêm một chiếc nệm hơi trong phòng khách, cung cấp bữa sáng cho khách đặt, vậy là họ đã giải quyết được tiền thuê nhà mỗi tháng. Hai founder của Airbnb nhanh chóng nhận thức được việc chia sẻ không gian nhà ở thế này là một cơ hội kinh doanh rất đáng tiền, ngay lập tức họ đã bắt đầu business của mình với trang web airbreadandbreakfast.com. Tất nhiên UX ban đầu của trang web này không hề fancy như bây giờ.

Trong bản MVP này, Airbnb chỉ gồm những chức năng tối thiểu cần có cho dịch vụ đặt chỗ chính là: hình ảnh nơi ở, vị trí, giá cả và cách liên lạc với chủ nhà. Sau khi ra mắt bản MVP, tất nhiên Airbnb đã không ngừng thu nhận feedback của khách hàng và trải qua quá trình “học hỏi’ từ khách hàng từ thị trường để cải thiện sản phẩm của mình hơn nữa. Ngày nay Airbnb đã gần như hoàn thiện và bổ sung thêm những chức năng làm tăng giá trị sản phẩm của mình như: online experience cho phép người dùng trải nghiệm du lịch thế giới tại nhà, airbnb adventures giúp khách hàng trải nghiệm văn hóa địa phương do chính các chuyên gia local hướng dẫn, thanh toán an toàn, trò chuyện cùng chủ nhà, ….
Điểm đặc biệt đáng học hỏi:
Tốc độ! Sau khi định hình được cơ hội kinh doanh, hai founders đã rất nhanh chóng thử nghiệm liệu ‘nhu cầu thị trường’ mình cần giải quyết có khả năng thực hiện hay không và họ thử nó bằng một trang web. Không cần cầu kỳ, chỉ cần đi vào trọng tâm “chia sẻ không gian phòng khách”, trên trang web hiển thị đủ 2-3 bức ảnh để khách hàng có thể hình dung được không gian mình sắp thuê. Một MVP rất đơn giản nhưng thể hiện được ý đồ muốn tập trung khai thác liệu nhu cầu thị trường này có đủ lớn để giải quyết và ‘ăn tiền’ hay không, đồng thời feedback của khách hàng về MVP này sẽ như thế nào. Bắt đầu từ MVP, thông qua feedback và dữ liệu trải nghiệm của khách hàng, Airbnb đã có thể xây dựng mô hình kinh doanh của mình cực kỳ thành công, thể hiện qua app và trang web hoàn thiện về UI/UX như ngày nay và nắm vị trí ‘kỳ lân’ dẫn đầu trong thị trường, có mặt tại hơn 220 quốc gia, hơn 10k thành phố và hơn 7 triệu chỗ ở.
2. Uber:

Khởi đầu của Uber cũng khá giống với Airbnb. Trong một buổi tối Paris đầy tuyết, founder của Uber không thể bắt được chiếc taxi nào, và từ đây ý tưởng về mô hình kinh doanh “đặt xe taxi” đã lóe lên. Vào năm 2008, founder Uber đã mua tên miền ubercab.com và bắt tay vào thực hiện ý tưởng sử dụng app điện thoại để ‘gọi xe’. Vào năm 2009, Ubercab bắt tay vào thực hiện prototype và vào tháng 5 năm 2010 dịch vụ được phát hành tại San Francisco với vỏn vẹn 3 chiếc xe ô tô.

Bản MVP này của Uber ngay từ đầu ra mắt đã nhận được nhiều sự quan tâm nhờ chức năng gọi taxi thông qua app với chỉ vài bước ‘chạm’ đơn giản. Chỉ với MVP này, Uber đã gọi vốn đầu tư thành công 1 triệu 250 ngàn đô. Ở thời kỳ đầu, MVP của Uber nhận đặt chỗ thông qua app, chỉ đường cho tài xế bằng GPS và nhận thanh toán qua thẻ tín dụng. Mỗi lần sau khi khách hàng sử dụng, Uber đều tích cực ghi nhận feedback từ khách hàng và nhanh chóng thể hiện từng feedback của khách hàng qua mỗi lần cải thiện sản phẩm. Vào năm 2012, Uber chính thức ra mắt sản phẩm Uber-X là phiên bản hoàn thiện hơn của bản MVP với các chức năng mới như cung cấp vị trí hiện tại của người dùng cho tài xế, dự đoán tiền xe, kết nối với ví điện tử trên điện thoại để hỗ trợ khách hàng có thể ‘trả góp’ tiền xe, bố trí xe vào giờ cao điểm,.. Những chức năng trên đã khiến Uber trở nên bất bại trong làng app gọi xe tại Mỹ và đàng hoàng bước lên ngôi vị Startup “Kỳ Lân”.
Điểm đáng học hỏi:
Nhu cầu của người dùng là trên hết! Ubercab ra đời với chức năng duy nhất là kết nối giữa khách hàng và tài xế taxi, tuy nhiên ngay khi nhận ra nhu cầu khách hàng đã thay đổi, Uber không chần chừ mà thay đổi theo, thể hiện sự lắng nghe khách hàng. Uber không những tập trung vào giá trị cốt lõi của mình mà còn phát triển MVP theo cách làm hài lòng không chỉ khách hàng mà cả tài xế. Uber đã làm rất tốt trong việc cải tiến các quyết định của mình bằng dữ liệu và review đến từ hai phía người dùng: tài xế và khách hàng, điều này khá khó vì thông thường thấu hiểu hai đối tượng người dùng có hành vi đối ngược thì nhu cầu và quan điểm của họ cũng dễ xung đột với nhau.
3. Spotify:

Vào năm 2006, Daniel và Martin Lorentzon đã phát hiện ra một lỗ hổng trong thị trường rất đáng để đầu tư đó là nền công nghiệp âm nhạc lúc bấy giờ không hề cung cấp bất cứ một giải pháp nào sử dụng công nghệ streaming cho phép người dùng muốn nghe nhạc trực tuyến. Sau đó 4 tháng, 2 người đã xây dựng prototype của Spotify mang tên Spotify AB và sản xuất beta version vào năm 2007. Trong giai đoạn này, họ đã phát hiện ra có rất nhiều người dùng có khuynh hướng tải bản nhạc về và chọn chế độ phát ngẫu nhiên. Thông qua mẫu thử này họ đã nhận ra một điều mấu chốt rằng: nếu họ có thể cung cấp cho người dùng những bản nhạc trực tuyến với tốc độ phát nhanh và một chất lượng âm thanh tương đối ổn thì họ có thể thay đổi được thói quen nghe nhạc của người dùng.

Mục tiêu của họ lúc này chính là làm sao có thể phát bài nhạc mà người dùng đã chọn trên nền tảng của họ bằng đúng với thời gian khi bản nhạc đó phát trên ổ cứng trong máy của người dùng. Đây là một chi tiết rất nhỏ thôi nhưng nó đã tạo nên giá trị cốt lõi cho sản phẩm của Spotify và tạo nên sự khác biệt.
Điểm đáng học hỏi:
Tối giản hóa giá trị cốt lõi của MVP! Giá trị duy nhất khi ấy của bản MVP Spotify chính là không để người dùng phải chờ đợi khi chọn nghe trực tuyến một bài hát trên nền tảng của họ. Spotify hầu như đã giải quyết hết những giới hạn của đối thủ thời đó, Napster cung cấp nhạc phi pháp thì Spotify chỉ cung cấp nhạc nhà nước cho phép và có bản quyền, và sự đắt đỏ của Apple Itunes với 2 đô/bài hát cũng được Spotify giải quyết với hệ thống trả tiền theo tháng và nghe không giới hạn!
4. Bài học sau khi tìm hiểu MVP của các “kỳ lân” công nghệ
- Khi bạn có một ý tưởng trong đầu, điều quan trọng nhất là hãy hành động, sản phẩm của bạn không cần quá hoàn hảo ngay từ ban đầu. Bạn chỉ cần thể hiện giá trị quan trọng cốt lõi của sản phẩm thông qua MVP và tiến hành tiếp cận với người dùng/ khách hàng. Để cho ra lò được một sản phẩm hoàn thiện không phải ngày một ngày hai mà đó là một quá trình dài liên tục sửa chữa, liên tục cải tiến.
- Những công ty startup thành công hầu hết đều tập trung cao độ vào giá trị cốt lõi của sản phẩm mình, điểm khác biệt của sản phẩm của họ với đối thủ. Những chức năng khác đều được tối giản và đánh mạnh vào target user của mình, đối tượng hiểu rõ về sự khác biệt này. Họ cố gắng để thể hiện những feedback của người dùng lên mỗi lần cải thiện sản phẩm của mình, bằng cách này, những sản phẩm của họ sẽ ngày càng hoàn thiện và thân thiện hơn với người dùng.
Bài viết được dịch từ bài gốc: https://brunch.co.kr/@ywkim36/29