‘Ý tưởng’ luôn là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với startup. ‘Ý tưởng’ là nền tảng cho người làm startup đáp ứng nhu cầu của thị trường và chiến thắng những player khác trên thị trường. Tuy nhiên, ‘ý tưởng’ vốn đã không phải dễ dàng xuất hiện, để xác định liệu ‘ý tưởng’ có đi đúng hướng hay không lại càng khó khăn hơn. Làm thế nào để có thể tìm ý tưởng và quan trọng hơn là tìm ý tưởng có định hướng tốt? Bài viết hôm nay từ Careerly là gợi ý từ Careerly về các hướng tìm ý tưởng cho startup. Tuy nhiên, những phương pháp trong bài viết này hoàn toàn có thể được áp dụng cho mục đích hình thành ý tưởng hoặc tìm ra sáng kiến ở những môi trường khác, như một bài tập về mô hình kinh doanh ở trường đại học chẳng hạn?

Phương pháp 1: Tìm hiểu điểm uốn (inflection point) của công nghệ

Andy Rachleff, người tạo ra thuật ngữ Product-Market Fit, thường đưa ra lời khuyên dành cho những người muốn xây dựng startup trong tương lai đó là: để có thể tìm được ý tưởng cho startup của mình hãy bắt đầu bằng việc quan sát, tìm hiểu các điểm uốn (inflection point – thời điểm diễn ra chuyển đổi lớn. VD về điểm uốn trong công nghệ: phát minh máy hơi nước, phát minh máy tính cá nhân, …).
Các bạn có biết thời điểm nào mà các startup xuất hiện nhiều nhất không? Đó chính là thời điểm hiện tại. Kể từ sự xuất hiện của chiếc iphone thế hệ đầu tiên mở ra thời đại công nghệ cầm tay, hàng loạt startup unicorn với product chính là ứng dụng cho điện thoại cũng bắt đầu ra đời. Khi có một công nghệ nào mới được phát minh, hãy quan sát và tìm hiểu xem liệu với công nghệ đó, điều gì là khả thi để có thể ứng dụng giải quyết một vấn đề nào đó. Đây là xuất phát điểm đơn giản nhất để có thể tìm ra ý tưởng cho startup.
Lấy ý tưởng startup cohere.co làm một ví dụ. Khi công nghệ điều khiển trình duyệt của người khác khả thi trên nền web, tương tự như việc sử dụng các phần mềm điều khiển máy tính từ xa, cohere.co đã ứng dụng công nghệ này để tạo ra product giúp các công ty có product web app (thường là SaaS) giải quyết vấn đề cho khách hàng của họ trực tiếp mà không cần phải cài đặt thêm phần mềm phức tạp hơn như Teamviewer.
Ngoài công nghệ, chúng ta cũng nên để ý đến những biến động lớn của xã hội. Ví dụ như tình hình dịch bệnh toàn cầu đang thay đổi cuộc sống của chúng ta ra sao, bởi vì khi xã hội có sự thay đổi thì tất nhiên cũng sẽ có những nhu cầu mới xuất hiện, nếu chúng ta nắm bắt được điều này thì ý tưởng startup có thể tự tìm đến. Dịch bệnh đã thúc đẩy sự phát triển của các startup có sản phẩm giúp số hóa các hoạt động thường được thực hiện trực tiếp như Zoom số hóa các lớp học và buổi họp và Robinhood số hóa các hoạt đồng đầu tư, mua chứng khoán.
Phương pháp 2: Đặt câu hỏi về những điều hiển nhiên
Paul Graham – nhà sáng lập Y-Combinator nổi tiếng từng chia sẻ về phương pháp tìm ý tưởng startup từ việc tìm ra các phương án thay thế cho những những thứ tưởng chừng quá hiển nhiên. Một ý tưởng startup tốt, thường sẽ đi ngược lại suy nghĩ thông thường của số đông nhưng có thể mang lại giá trị cho cho người khác. Nếu là một ý tưởng tốt và đạt được sự đồng thuận của số đông thì khả năng cao là đã có người thực hiện từ lâu rồi. Vậy nên, việc một ý tưởng nhận được cái nhìn đầy nghi ngờ “liệu nó có khả thi không vậy?” từ những người xung quanh không thể hiện được rằng ý tưởng này là một ý tưởng tệ.
Nếu bạn đang muốn tìm một ý tưởng để startup, hãy đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là thứ/ cách thức tốt nhất hay không?” khi thực hiện những thói quen hàng ngày hoặc sử dụng những sản phẩm quen thuộc. Với dạng câu hỏi này, bạn có thể tìm ra ý tưởng startup dựa trên một phương pháp mới tối ưu hơn để làm những công việc hiển nhiên hằng ngày. Có thể lúc đầu, phương pháp mới này nhận những cái nhìn đầy hoài nghi, nhưng một khi người ta nhận ra được giá trị và độ hiệu quả thì bạn sẽ có sẵn một lượng đối tượng người dùng lớn vì giải pháp này giải quyết một vấn đề thường ngày, hoặc tối ưu một hoạt động hiển nhiên mà nhiều người thực hiện.
Phương pháp 3. Tìm lỗ hổng thị trường:
“Hãy nhìn vào lỗ hổng thị trường” là lời khuyên từ Jim Mckelvey, co-founder của Square – dịch vụ thanh toán bằng cách liên kết với ứng dụng di động thay thế cho máy quẹt thẻ, về cách để tìm thấy ý tưởng startup. Nếu định nghĩa giá trị thị trường bằng số tiền chi trả cho một sản phẩm x số người chi trả thì bất cứ một thị trường nào cũng sẽ có tiềm năng trở nên lớn hơn khi thu hút được một nhóm người/tổ chức đang không tham gia hoạt động trong thị trường đó. Nhóm những người không tham gia sẽ được gọi là lỗ hổng của thị trường. Nếu có thể tìm ra phương án giải quyết được lý do họ không tham gia vào thị trường này, chẳng hạn như có phải vì giá cao hay không, hay vì dịch vụ đó không thỏa mãn họ, hay vì lí do nào khác, … thì bạn (gần như) đã có trong tay một ý tưởng startup.

Ví dụ:
Square đã phát hiện ra nhóm tiểu thương không muốn ký những bản hợp đồng dài thượt và tiền phí hoa hồng cao ngất ngưởng khi sử dụng máy quẹt thẻ cho việc thanh toán. Hướng đến đối tượng này, Square tạo ra hình thức thanh toán mới với quy trình đăng ký đơn giản và hoa hồng thấp.
Phương pháp 4: Chú ý quan sát hành động của những người xung quanh
Phương pháp tiếp theo đó là tìm hiểu hành động của người khác mà bạn cảm thấy khó hiểu, hoặc những hành động trước đây người ta không làm nhưng giờ đây lại thực hiện. Nếu bạn dần nhận ra hiệu quả của những hành động đó và thậm chí còn cân nhắc làm theo thì đó là một khía cạnh đang có tiềm năng phát triển. Ý tưởng startup của bạn có thể bắt đầu từ đây.
Ví dụ: Khi gậy selfie mới xuất hiện, đa số đều nhìn sản phẩm này với ánh mắt lạ lùng. Nhưng sau một thời gian, gậy selfie lại trở thành một món đồ không thể thiếu trong vali đi du lịch, bởi vì cuối cùng họ đã nhận ra việc có thể tìm một góc ảnh đẹp khi chụp 1 mình là không hề dễ dàng. Hay như nhờ sự nở rộ của nghề Youtuber, những công cụ quay vốn dùng để làm giá đỡ cho riêng những chiếc máy ảnh, máy quay như tripod, đèn, mic, v.v.. giờ được thu gọn để phù hợp hơn với người dùng điện thoại. Ban đầu phản ứng của nhiều người khi gặp một người với đống phụ kiện lỉnh kỉnh như vậy trên đường có lẽ là một phản ứng khó hiểu, nhưng dần dần, có lẽ bây giờ họ chỉ nghĩ “À, Youtuber…”
Phương pháp 5: Idea Extraction – Chiết xuất ý tưởng
Những phương pháp trên là các phương pháp để tự thân tìm ý tưởng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tìm ý tưởng bằng cách mượn ý tưởng từ đối tượng khách hàng tiềm năng. Dane Maxwell (CEO của hơn 5 công ty IT, tác giả cuốn sách “Lối tắt khởi nghiệp”) đã giới thiệu và phổ biến phương pháp xây dựng ý tưởng startup bằng cách trực tiếp hỏi khách hàng của mình.
Đầu tiên, chọn ngành có tỷ suất lợi nhuận cao và tỷ trọng lao động chân tay cao. Sau đó, thu thập email của người trong ngành và gửi mail với dạng nội dung sau: “Bạn có từng thất bại trong việc tìm kiếm một phần mềm để đáp ứng một nhu cầu nào đó không? Chúng tôi đang nghiên cứu, và nếu bạn dành thời gian để trao đổi với tôi qua một cuộc gọi, tôi sẽ tạo ra một phần mềm như vậy cho bạn”. Trong số những người đồng ý, chúng ta có thể hỏi họ hoạt động kinh doanh trọng tâm của họ là gì, họ gặp khó khăn gì khi thực hiện chúng, những công việc mất nhiều thời gian, hướng giải quyết họ mong muốn cho những vấn đề gặp phải,v.v.. Bằng việc nắm bắt tâm lý và vấn đề của khách hàng thông qua phỏng vấn trực tiếp, bạn có thể tìm thấy những insight cho một ý tưởng startup đắt giá mà không thể tự nghĩ ra nếu không ở trong vị trí của khách hàng.

Lời kết
Một ý tưởng chỉ là điểm khởi đầu, hành trình thành công của startup còn phụ thuộc vào vô vàn yếu tố khác. Dù vậy, hy vọng 5 bài học trên đây sẽ có thể đóng vai trò như một ‘chiếc kim chỉ nam’ giúp bạn định hướng tìm điểm khởi đầu phù hợp.
One comment